Thứ Tư, 30 tháng 9, 2009

CHỈ TẠI THỜI TIẾT

CHỈ TẠI THỜI TIẾT
Tất cả chỉ tại thời tiết
Tác giả Hồng Hoang ( Hồng Hưng)


Bầu trời cao xanh bát ngát khí trời lạnh lạnh mưa thưa lất phất, trên đồng cạn dưới đồng sâu, cây lúa lớn mạnh nhẹ nhàng mơn mởn trong cái rét se se, làng quê hòa vào tứ thơ bất hủ.
Khi việc chăm lúa trên đồng đã vãn, nhà nông mỗi nhà nhiều việc riêng tư. Người siêng thì làm nghề phụ kiếm tiền, người chơi nhóm họp bạn bè. Đất quê trồng lúa đâu đâu cũng nhiều nghề phụ. Mộc, nề, đan vá, thêu may, nấu rượu, làm dấm làm tương, làm đậu phụ, làm bún miến, làm ngựa xe vàng mã, làm kẹo quê, bánh quê... chờ phiên chợ. Còn những người chơi tụ họp đây đó uống rượu chơi cờ, thả diều, chơi chim, chơi cây... Ấy là chưa kể tới đám người đam mê luyện võ, côn quyền huỳnh huỵch sân vườn.
Sáng chiều cữ giờ đến trường và tan trường, học trò quê khăn đỏ, áo trắng, quần xanh chân mang dép nhựa từng nhóm đi về xôn xao ngõ xóm.
Trời giấc này rét đậm, giấc ngủ về đêm thật ngon, khi ngủ thật ngon không ai muốn dậy. Trời càng lạnh người người ngủ càng say. Khi nhân gian đang ngon giấc nồng là khi hai bố con nhà ông hành nghiệp gia truyền, mưu "hốt của thiên hạ". Nghiệp này khởi từ đời ông nội, vì ông nội là tổ nghiệp nên trong họ ông gọi là "Tổ Nội" cũng có khi gọi là "Nội Tổ". Nghiệp của "Tổ Nội" truyền tới anh con trai độc của ông là bốn đời.
Đời khởi nghiệp: Tổ Nội (Nội Tổ).
Đời kế nghiệp I: Cụ thân sinh ra ông.
Đời kế nghiệp II: Ông.
Đời kế nghiệp III: Anh con trai độc của ông.
Một nghiệp gia truyền bí mật chỉ đắc lợi khi trổ ra vào những đêm lạnh đẹp trời.
"Tổ Nội" thủa thiếu thời được nuôi ăn học tới độ đọc thông được cả tiếng tây tiếng tàu. Tổ Nội hay trốn học và thích đọc những sách mà phần đông người đời cho là nhảm, hoặc những sách kín truyền tay. Ông có nghe cụ thân sinh ông kể, Tổ Nội từng nói thích đọc sách của những hạng tác giả quái đản hoặc có cuộc đời tê buốt từ thủa bào thai. Tổ Nội có những sở thích chẳng giống ai, hay sưu tầm những câu ca trong nhân gian nói về việc trộm cắp. Tổ Nội đã tuyển chọn ở đâu hoặc bịa ra một câu gọi là MẬT NGÔN GIA TRUYỀN bí truyền tới đời anh con trai của ông bây giờ.
MẬT NGÔN được viết bằng son tàu thắm đỏ trên giấy xuyến chỉ có bôi mủ sung viền mép được để cùng với VẬT BÙA trong một hòm gỗ nhỏ bịt đồng thau bốn góc. Hòm có kích thước 15cm x 15cm x 40cm, có hai đai đồng thau ôm ngang vòng quanh đúc liền với bản lề và hai ổ khóa chìm có hai chìa riêng chắc chắn. Hòm gỗ đó được giấu kín trong khoang trống của bàn thờ có hai tấm hậu, khi nhìn từ bên ngoài không thể nhận ra có khoang kín phía sau.
Mỗi năm một lần vào nửa đêm chính giữa giờ tý hai bố con ông cùng khấn Tổ nghiệp - Khấn VẬT BÙA - cùng đọc mật ngôn xin VẬT BÙA chỉ hướng đi hành nghiệp gia truyền.
Đêm nay ông và anh con trai đang chờ giờ thiêng là thời khắc "chính tý" để khấn xin hướng đi. Ông nằm chờ trong buồng kín nơi đặt chiếc bàn thờ hai ngăn, trong đầu nghĩ toàn chuyện cũ. Anh con trai chờ ở gian nhà ngoài để cửa đóng một cánh mở một cánh nằm ngắm sao trời. Trong đầu anh toàn nghĩ về những khoái cảm ân ái với người tình, còn miệng hát du dương vài câu dở òm "Trời mùa thu... Việt Nam buồn lắm em ơi... mây trắng bay ngang lưng trời...."
Ông nhớ mùa này năm ngoái cũng đúng là lúc chờ giờ thiêng hai cha con đã bất đồng quan điểm dẫn tới mâu thuẫn gay gắt. Nguyên nhân là tại ông (thực ra chỉ tại thời tiết) ông đã can thiệp thô bạo vào tự do yêu đương của anh con trai. Ông đã nói như thế này với anh con trai:
- Sau chuyến đi đêm nay anh hãy chấm dứt tình yêu với "người đẹp cao tuổi" của anh đi. Người đẹp của anh hơn em gái tôi hai tuổi cơ đấy, anh có định lấy vợ về làm mẹ không thì bảo? Hỏi! Tiếng hỏi lên giọng cuối câu này là dư âm của Tổ Nội. Xưa Tổ Nội cũng có những tháng năm dạy học tại nhà. Chuyện kể lại rằng cụ thường đập mạnh cây thước kẻ lớn xuống bàn, miệng hô "Hỏi" rõ to vào lũ học trò ở tuổi thối tai chốc đầu. Đó là những ngày tháng êm đềm. Còn bây giờ sau tiếng "Hỏi" dư âm, anh con trai kiêm đồng nghiệp của ông đã thẳng thắn vô tư nói:
- Bố thích rồi hả? Bố thích không? Nếu bố thích cứ nói thật một câu, con sẽ nhường cô ta cho bố.
Ông chợt nhận ra mình chưa đểu bằng anh con trai. Đâu đó trong thẳm sâu nơi ông vẫn còn sót lại chút ít cái gì đó thôi thúc ông phải chửi thẳng vào mặt anh con trai:
- Anh là đồ khốn nạn, tôi thật ân hận... (ông dừng một chút không nói rõ vì sao ân hận rồi lại chửi tiếp)... Trời ơi... sao anh đểu được tới mức ấy! anh còn đểu hơn tôi nhiều.
- Bình thân đi bố, con không nói chơi đâu, bố nên học lại "chiêu" luôn luôn lắng nghe để thấu hiểu. Con nghĩ chắc bố lại nôn nao nhớ cô bồ "non" đã giã từ bố mà đi hồi hai năm về trước. Cô ấy thật đẹp và trẻ quá, chỉ đáng tuổi em gái con vậy mà bố chiều cô ta tới mức "Thuốc" con gọi là "mẹ trẻ". Tởm bố thật. Con thấu hiểu bố, thông cảm với bố vì mẹ con qua đời sớm (xin được chú thích rằng các nàng dâu trong dòng họ nhà ông đều nhan sắc hơn người nhưng không một ai thọ quá tuổi ba mươi. Và cũng không một ai hay biết gì về nghiệp kín nhà ông. Họ làm dâu trong gia tộc nhà ông chỉ để đẻ). Con đã từng bảo bố chướng lắm, thôi béng cô ta đi vì "con đĩ non ấy chẳng ra gì". Bố đã gầm lên như rồ, cầm dao phay rượt đuổi con. Khi con không chạy nữa, đứng lại đối mặt thì hình như bố sợ, đúng không? Sau bố đã đổi "chiêu", bố "Thuốc" con bằng một bài học sâu sắc về tương quan giữa loài cá với tuổi tác của phụ nữ. Thế bây giờ Bố còn nhớ... hay bố đã quên?
- Anh câm mồm, anh cút đi khuất mắt tôi.
- Kìa bố! Bố đừng nóng, thế bố có nhớ... bố nói gì không?
- Anh thật chó đểu, số tôi giời đày phải có người con như anh.... Như anh... Như...... a..a.. anh!
- Hạ hỏa đi bố, nếu bố quên rằng đã từng "Thuốc" con bằng thuật hùng biện hết tầm mức, hết sở trường của bố như thế nào, con sẽ nhắc để bố nhớ là đã nói rất thú vị và rất thuyết phục về đàn bà và loài cá. Bố còn nhớ... hay bố đã quên? Mà nếu Bố không muốn nghe những ý đẹp lời hay của chính bố thì thôi vậy. Thời tiết này đang rất thuận lợi cho nghiệp nhà, bố con ta cần tránh mất đoàn kết. Đi nốt lần này nhà mình sẽ chuyển ra định cư ở thành phố bố nhé.
- Anh nói cái gì? Cơ nghiệp đang to lớn vững chắc thế này ở quê không sướng ư! Tại sao phải ra thành phố bụi bặm ồn ào?
- Bố không quan tâm tới tương lai hạnh phúc của con rồi. Ở thành phố ai ai cũng xa lạ, ai ai cũng là người khác, con sẽ thoát được những lời xì xầm về tình yêu với "người đẹp cao tuổi". Bố mà không đi con vẫn cứ đi. Bố phải hiểu là thời nay con cái đặt đâu thì bố mẹ phải ngồi đấy.
- Anh đểu quá rồi đấy, miệng lưỡi anh ráo hoảnh, sắc lẻm chắc anh sẽ giết tôi không cần dao... Trời ơi con tôi đã thành giặc trong nhà. Con tôi đã thành giặc trong nhà tôi rồi... Trời ơi...
Ông thốt lời thất vọng mà lòng không còn trách ai được. Ông đau buồn ngồi cúi gập mái đầu chưa bạc mấy xuống hai lòng bàn tay để ngửa trên đầu gối. Ấy là chuyện cha và con mâu thuẫn từ năm ngoái, bây giờ đây bất giác ông thấy mình cũng ngồi y như vậy. Ông nhớ ông đã từng nói với anh con trai "ANH ĐỂU HƠN TÔI NHIỀU". Anh con trai đã giả nhời giản dị.
- Bố chỉ được cái nói đúng, con là con của bố mà lỵ. Uống miếng nước cho hạ hỏa đi bố - Anh con trai đưa cho ông cốc nước lọc và nói tiếp - "BỐ CŨNG ĐỂU HƠN ÔNG NỘI ĐẤY THÔI". Bố đừng trách mắng con nữa được không.
Ông cầm cốc nước lọc, ông uống, ông sợ gì nước lọc. Ông uống nước mà lòng ân hận dâng đầy, tự nhủ lòng chỉ hành nghiệp gia truyền nốt vụ này, rồi từ bỏ cái gia nghiệp quỷ quái ghê sợ đó. Ông tính phải đốt MẬT NGÔN, chôn VẬT BÙA, phá hủy bàn thờ có ngăn hậu bí mật đi. Những của cải, "vàng bạc châu chấu", tài sản tích lũy được từ bốn đời chôm chỉa nay sẽ dần dần hiến hết vào tất cả các dạng tổ chức từ thiện, các Đình Phủ Đền Chùa, và cả Nhà Thờ nữa. Chỉ có như thế ông mới thấy bình an trong lòng, mới an tâm được với công việc của nông dân và với vườn ao chuồng thanh thản êm đềm tuổi cao niên.
Nhưng còn anh con trai duy nhất của ông thì sao? liệu anh có hối hận để đổi nghiệp? Ông cho rằng cứ hủy hết những bí mật sau bàn thờ và cả cái bàn thờ ác nghiệt ấy đi, thì tự khắc anh con trai độc của ông sẽ phải thay đổi. Sau đó thì cha và con hằng đêm sẽ ngủ ngon giấc an lành, thoát khỏi trằn trọc suy tính những mưu mô rất không tử tế. Ông biết anh con ông đã vượt xa ông về sự nham nhở đểu giả, không thể đoán được liệu anh còn được mấy đường tơ ân hận trong lòng. Thôi thì còn bao nhiêu hối hận bấy nhiêu vì dù sao thì "HỐI HẬN KHÔNG BAO GIỜ MUỘN".
Nhớ lại khi đó ông đã nguôi cơn giận vì mải suy tư, ông đã nghiệm ra chân lý "HỐI HẬN KHÔNG BAO GIỜ MUỘN", và mọi hối hận đều được tha thứ. Anh con trai lại tới gần chọc ngoáy kiểu thân thiện:
- Bố! Bố có nhớ... bố nói gì không?
- Không, không nhớ gì cả. Anh muốn tôi nhớ tôi nói gì?
- Bố đã ví von loài cá với đàn như thế nào nhỉ?
- Thế nào là thế nào? Anh lại định giở trò nhảm nhí gì với bố anh đây?
- Bố đã nói ĐÀN BÀ NHƯ CÁ- KHÔNG CÓ TUỔI.
- Tôi không nói gì hết. Anh hay bịa đểu lắm.
- Bố quên thật rồi sao? Chắc khi xưa cô người tình trẻ non tơ đã làm bố phấn khởi hưng phấn phát tiết ra chân lý riêng của bố: "ĐÀN BÀ NHƯ CÁ, KHÔNG CÓ TUỔI, CHỈ CÓ CON TO CON NHỎ" bố còn nhớ... hay bố đã quên? Hồi đó bố bảo bố đang thích cá bé.
- Sao anh bịa ra nhiều thế?
- Thế bố có nói đàn bà như cá không?
- Cũng có thể, nhưng quên hết rồi, chỉ công nhận đời tôi đánh dậm cũng nhiều...
- Bố còn bảo con cứ sống đi khắc biết rằng đàn ông khi còn trẻ thường thích "cá to" đến khi cao tuổi thường hay thích "cá nhỏ". Bố còn bắt con phải im lặng suy ngẫm lắng nghe để thấu hiểu. Bố bảo máu trẻ nhiều nhiệt huyết chỉ hay nẩy cãi lắm không chịu học nẩy Kiều, bố đã sợ con phủ nhận bố đúng không? (Mà rõ khổ có thuộc cóc gì truyện Kiều đâu mà nảy). Bố quên thật rồi sao?
- Thôi, thôi, thôi tôi hiểu rồi, đủ rồi anh im mồm đi. Anh đã lấy gậy của tôi để đập lưng tôi. Anh muốn nói với tôi rằng anh đang độ tuổi thích "cá to" phải không. Thôi thì tùy anh tương lai thuộc về anh.
Anh con trai đã làm điệu bộ phấn khởi như diễn viên đoàn kịch nói trên tỉnh:
- Ôi bố! bố thật tuyệt vời, bố chính là người hùng của con, bố hiểu ra vấn đề rồi đấy. Tiện con xin báo để bố biết, "người đẹp cao tuổi" của con khi nghe con trình bày lý thuyết của bố đưa đến quan niệm đàn bà như cá... Nàng khen bố thật cừ khôi rồi cười duyên nói: "ĐÀN ÔNG CŨNG KHÔNG CÓ TUỔI, CHỈ CÓ KHỎE HAY YẾU MÀ THÔI" tuyệt vời không bố? Con nghĩ bố nên cảm ơn "Người đẹp cao tuổi" của con đã hoàn thiện quan niệm của bố. Vậy thôi nhé từ nay bố đừng bận tâm tới "người yêu" của con nữa nghe. Bố con mình cần đoàn kết để kiếm được nhiều tiền hơn nữa, kinh tế cần phát triển không ngừng.
- Nhưng tôi lo cho tôi chưa có cháu nội. Nếu anh lấy vợ cao tuổi thế thì chửa đẻ, con cái ra răng?
- Trời ơi bố vẫn còn "sử " chiêu ngây thơ nữa, việc có chửa hay không đã có "Bao... thanh thiên " quản rồi, bố không biết câu âm dương cách trở một màng cao su! Chửa sao được mà đẻ. Con phải rút kinh nghiệm từ dòng họ nhà ta chứ. Chả dại gì mà đẻ ra một thằng đểu hơn con nữa, con đểu hơn bố là đủ rồi. Dòng giống nhà ta nên chấm hết ở đây bố ạ, đó mới là việc lớn cần suy nghĩ, còn chuyện tình của con thì nhằm nhò gì đâu mà phải chấm hết hả bố.
Trong một thoáng chớp rất nhanh như tia lửa bu gi xe máy, ông nhìn ra sự hối hận (chắc là vô tình) của anh con trai còn lớn hơn, đúng hơn, bao trùm lên cả hối hận vừa chớm nở của ông trong lúc chờ thời khắc "chính tý". Đêm đó lẽ ra là đêm xuất hành của một chuyến trộm to đã được lên kế hoạch từ lâu vậy mà phải hoãn lại vì chuyện đàn bà.
Các cụ xưa mà đã kiêng kỵ điều gì thì cấm có sai vào đâu được. Trong làm ăn, kể cả ăn trộm ăn cắp, hễ có hơi phụ nữ dính vào là rối loạn ngay. Khoảng cách từ rối loạn đến xui xẻo cực kỳ ngắn.
Nhưng liệu ông có ngộ ra được rằng mâu thuẫn gay gắt từ nguyên cớ "Người đẹp cao tuổi" đã làm cho cha con ông hoãn được một việc làm chẳng hay ho tử tế gì, và còn dẫn tới những hối hận riêng tư của cha và con. Phần ông muốn chỉ "ĐI ĂN TRỘM" nốt bận này. Từ sau bận đó sẽ lương thiện. Mọi của cải "vàng bạc châu chấu" tích lũy của gia nghiệp bốn đời đạo chích, sẽ dần dần trả lại đời hết, còn anh con trai thì nhận ra đời mình trót "tồi tệ hại" hơn cha rồi nay không thể để cho cháu "tồi tệ hại" (lại quên mất là chữ của ai rồi) hơn ông được. Như thế có thể hiểu rằng vẫn còn quỷ thần hai vai và nhiều vị thần thiện khác đang giáo hóa bền bỉ cho hai cha con ông có cơ hội hối hận hướng thiện trở lại thủa ban đầu (kể cả thủa ban đầu của Tổ Nội) vì "nhân chi sơ..." không thể biết chôm chỉa ngay được.
Trời đêm ngoài kia đang rất đẹp, một đêm sáng sao se lạnh đến gà chó cũng im ắng ấm cúng trong chuồng trong ổ. Ông vẫn chỉ nghĩ về anh con trai. Thực ra anh rất giống ông. Xưa kia ở tuổi đó ông đã có vợ và có một người tình hơn hẳn ông mười sáu tuổi. Bà thật quyến rũ mặc dù có số tuổi có thể đẻ được ra ông. Bà có tấm thân cao thon tròn khỏe khoắn, mông vú rung rinh vừa phải, da trắng ngà mịn như mỡ đông. Nét mặt của bà không đẹp nhưng miệng cười tươi và đôi mắt sâu có ánh nhìn dễ đồng lõa (bây giờ gọi thế là thân thiện dễ thỏa hiệp). Bà là con gái một võ sư trưởng môn của một phái võ ngoại nhập từ rất xa xưa. Môn võ ngoại nhập đó đã được tổ tiên bà phối hợp với võ thuật bản xứ cải biến thành thứ võ ác hiểm, đơn giản, hiệu quả khủng khiếp. Nếu các anh chàng mê gái xem bà luyện võ cùng cha và các môn sinh thì chắc tới chín mươi tám phần trăm không dám mơ đến yêu đương và lên giường với bà, chao ôi nguy hiểm bất ngờ hồi hộp lắm, sợ lắm, cho dù có biết bà là bậc nữ lưu quân tử không bao giờ dụng võ trong ái tình như một số nam nhi vũ phu. Bà đã yêu ông, một thanh niên tuy đẹp trai ít thôi trói gà thì không chặt mấy nhưng ăn trộm rất tài (nghiệp nhà mà). Có thể nói bà đã nhử cho ông yêu bà kiểu như gà mái tính nhẩm tốc độ chạy sao cho gà trống đuổi kịp hăng hái mà vẫn còn dư sức. Ông đã yêu bà trong tâm cảnh vừa sợ vừa sướng. Lâu dần ông đã nghiện tình yêu đó, nghiện kiểu rung rinh ngây ngất đặc biệt rất riêng mỗi khi nằm trên người bà. Ông thấy nhớ và nghiền những khoái cảm đó không chịu được.
Truyện viết thế này vì toàn là chuyện có thật cả. Người tình già thủa thanh niên của ông bây giờ vẫn còn sống. Bà cụ vẫn khỏe mạnh, cụ ở xóm dưới cách xóm ông ở chừng ba bốn cây số. Cụ khi xưa đẹp người là thế, mà nay là bà cụ già lưng còng da nâu xạm chi chít những nốt đồi mồi. Tóc xơ xác lơ thơ, da mặt chằng chịt nếp nhăn và vết chân chim bóng láng còn mắt cụ thì đã đục mờ kèm nhem.
Chiều chiều cụ vẫn đội chiếc nón mê tuột vành mặc chiếc áo ba lỗ tự khâu bằng vải "diềm bâu" với đường kim mũi chỉ nguệch ngoạc to như khâu giầy. Dấu vết ngang tàng thời xuân sắc chỉ còn lại ở hàng chữ xanh chàm đậm xăm trổ trên cánh tay da khô xạm nắng nhăn nheo: "ĐỜI KHÔNG ĐỐI THỦ".
Bà cụ sống cô đơn không chồng không con cái, muối dưa cà trong ba chiếc "cóng" thủy tinh bầy bán ngay trước cửa ngôi nhà bé nhỏ đơn sơ. Thỉnh thoảng ông vẫn ghé thăm biếu bà đôi chai mắm ngon, ít tôm cá khô hoặc có khi dăm ký gạo nếp.
Người tình già xưa, nay càng già hơn. Có lần mang biếu bà cân đường trắng, ông đứng ngay trước mặt, bà vẫn tưởng là khách mua cà. Khi biết mình nhầm, bà đấm khẽ vào cánh tay ông cười duyên móm mém nói: "khỉ gió".
Niềm an ủi của cụ bà cô độc này là hàng xóm quanh cụ thật tốt, có nhiều người ngầm để ý lo cho sự đơn độc lúc cụ trái gió trở trời. Nhiều người vẫn sang chơi bên ngôi nhà bé nhỏ của cụ, nhiều thanh niên, đàn ông vẫn giúp cụ chằng buộc mái nhà khi trời giông bão.
Chuyện xưa qua rồi nhưng ông không quên, ông cũng không quên khi xưa cụ thân sinh ra ông phản đối mối tình mê đắm này còn dữ dội hơn cả ông phản đối "người đẹp cao tuổi" của anh con trai ông bây giờ. "Tình phả" của dòng họ nhà ông có nhiều chuyện lạ, cứ theo nhời kể của những người biết về "Tổ Nội" truyền lại thì "Tổ Nội" có tình yêu chung thủy với Tổ Nội bà và sự gặp gỡ giữa hai người cũng độc đáo lắm. "Tổ Nội" tính khí tự do ngang ngạnh đã tự tìm bạn đời, quyết không nhờ ai mối mai và không chịu cảnh cha mẹ đặt đâu con ngồi đấy.
Chuyện kể rằng ngay lần đầu tiên khi gặp "Tổ Nội bà" ông đã bị một cú tát bất thình lình nẩy tám vạn con đom đóm trong mắt. Nhưng vì là người có chữ nên "Tổ Nội" đã ứng xử rất hào hoa và chinh phục được trái tim cụ "Tổ Nội bà".
Nguyên lần đó trong rạp chớp bóng trên huyện, ngồi cạnh "Tổ Nội" là cô gái quê răng đen hạt na, tóc vấn đuôi gà, vẻ mặt thanh tú tươi trẻ hồn nhiên. Nàng mặc quần thâm bận áo cánh vải nâu sồng cổ áo khoét hình trái tim đủ để le lói khoe làn da trắng như trứng gà bóc và màu cánh sen già của chiếc yếm ngực. "Tổ Nội" hứng tình quên hết ngôn từ, âm thầm thò tay mò đùi cô gái... lần sờ lên chỗ đùi cao... Chẳng biết Nội Tổ mò tới đâu mà cô gái quê đứng phắt dậy thình lình tát thẳng cánh vào mặt Tổ Nội và nói như đứt hơi "Đồ mất nết". Tuy có choáng nhưng Tổ Nội đã từ tốn đứng lên chắp tay nói "Rất hân hạnh". Chuyện kể vậy chẳng biết thực hay hư, chỉ biết duyên khởi thủy từ bàn tay sờ đùi mà nên nghĩa vợ chồng bền lâu. Ông giời có rõ nhiều kiểu se duyên mà chỉ có ổng mới hiểu. Còn biết bao điều quan trọng nữa chắc cũng chỉ ổng mới biết...
Bàn tay khởi duyên của "Tổ Nội" không rõ có liên quan gì tới VẬT BÙA không vì VẬT BÙA cũng là một bàn tay. Nhưng là bàn tay của một người bị sét đánh chết cháy đen. Chính xác hơn thì phải gọi là cả một cẳng tay sét đánh. VẬT BÙA Tổ Nội mang về được cắt ngang từ khuỷu tay của người bị sét đánh chết. Bọn đạo chích có gia nghiệp đều thờ "bàn tay sét đánh" kiểu như gái lầu xanh trong TRUYÊN KIỀU của cụ TIÊN ĐIỀN thờ vị thần lông mày trắng (Thần Bạch Mi). Tổ Nội khi xưa quảng giao nhưng không để lại tung tích gì. Liệu có phải người đã gặp một chóp đỉnh cao nhân Đại đạo nào đó đã nhiếp hồn đã thôi miên đưa người vào con đường của vị thần chôm chỉa?
Liệu có phải tay Đại đạo chóp đỉnh đó đã truyền cho người những bí mật của việc thờ bàn tay sét đánh?
Tổ Nội đã từng lưu lại lâu và nhiều lần ở vùng miền trung, huyện Đại Lộc, thị xã Tam Kỳ khu vực hàng năm có nhiều người chết vì sét đánh. Rồi bằng cách nào đó Người có được một cẳng tay phải bị sét đánh đen thui khô quắt không thể thối rữa được nữa. Để cẳng tay đó trở thành linh thiêng, người đã nghiêm mật thực hành nhiều nghi thức kỳ bí. Con cháu nối nghiệp đời sau chỉ cần khấn đúng thời khắc "chính tý" là cẳng tay tự dựng đứng lên xoay ba vòng chọn hướng, cuối cùng ngừng xoay và ngón trỏ định vị chỉ về một hướng. Đầu ngón trỏ phát sáng nhẹ khoảng hai mươi giây sau đó cẳng tay tự động nằm xuống tự xếp gọn trong hộp bùa. Nghiệp đạo chích cứ hướng đó mà hành là trúng to trúng đậm và an toàn tuyệt đối. Mọi vật thiêng như bàn thờ, hòm gỗ, vật bùa, mật ngôn đều do một tay Tổ Nội gây dựng. Sau khi hành lễ đã xin được hướng đi tất cả phải cùng đọc MẬT NGÔN. Lời trong MẬT NGÔN không ai biết là viết bằng thứ ngôn ngữ gì nhưng ý nghĩa truyền khẩu của nó rất dễ nhớ: MỘT ĐÊM ĂN TRỘM BẰNG BA NĂM LÀM, chỉ cần chắp tay đọc lầm rầm ba lần là xuất phát được.
MẬT NGÔN của Tổ Nội chế ra nhằm răn dạy con cháu tự tin mà nối nghiệp nhà. Tổ Nội truyền lại rằng ở đời ai ai cũng muốn làm giàu, làm giàu tựu trung chỉ có hai cách. Cách thứ nhất là dùng trí tuệ và sức lực mà sản xuất- buôn bán - học hành - phát minh - truyền bá - quản lý v.v... để có nhiều tiền. Cách thứ hai là tìm cách có lại tiền của những người đã có nhiều tiền. Tổ Nội ưa cách thứ hai, cách đó nhanh chóng và ít phiêu lưu ít hao tổn trí lực hơn cả, mặc dù nếu bị lộ ra chân tướng sẽ được gọi là thất đức. Nội Tổ cũng dặn dò chu đáo rồi bảo đó chỉ là danh từ. Cũng có một điều tối kỵ với "bàn tay sét đánh" là tuyệt đối không được để cho con mắt người "ngoại huyết" nhìn thấy. Nếu xảy ra chuyện đó bàn tay sẽ chỉ hướng đi vào chỗ chết. Chết mất mạng luôn vì thế mà buồng đặt bàn thờ gia nghiệp kín mít như chiếc hòm lớn, các nàng dâu không bao giờ được phép bước chân vào hay hỏi han gì tới bên trong căn buồng.
Nằm ở gian nhà ngoài, anh con trai chờ bố căn giờ thiêng gọi vào buồng kín, miệng vẫn nỉ non những câu hát huê tình. Anh đang trong tâm tư ngây ngất yêu đương.
Trời đêm trên cao có ngôi sao băng vút qua, anh nhích người gần về phía cánh cửa mở để nhìn bầu trời được nhiều hơn, để xem sao băng rõ hơn. Quả nhiên có hai ngôi sao băng cùng lúc bay cong cong, lao xuống phía chân trời chưa tắt hẳn đã có ngôi sao khác vụt theo hơi lệch xéo một quãng. Đêm nay là đêm gì mà có nhiều sao đổi ngôi sáng đẹp vậy. Anh ngồi hẳn dậy đi ra ngoài trời lạnh. Anh không thấy lạnh, ngước mặt nhìn trời trong vắt đen đen cao xa thăm thẳm vô số ánh sao lấp lánh. Anh thoáng nghĩ một mai anh chết, trên bầu trời sẽ có một ngôi sao băng bé tí mờ mờ và không ai để ý thấy nó vụt bay ngang rồi chìm trong khoảng không vô tận, vì anh là một tên trộm trẻ tuổi núp bóng nông dân. Anh hít một hơi thật sâu vào lồng ngực thấy rõ có sự khoan khoái khác thường đang tràn lan khắp cơ thể bắt đầu tỏa vào từ hai lỗ mũi. Anh ngờ ngợ thấy như đang hít thở không khí của một thời tiết mới. Bầu trời xoay vần vào giờ tý đã lâu chắc lúc này phải là "chính tý" rồi sao chưa thấy bố gọi anh?.
Cả hai cha con đều không biết rằng đêm nay là đêm cuối cùng của chu kỳ sáu mươi năm một lần hoán đổi những chòm sao cai quản thời tiết. thời BĨ CỰC chỉ còn chút xíu ảnh hưởng tới đúng khắc "chính tý" là dứt hẳn để nhường lại cho thời THÁI LAI. Những chòm sao cũ cuối cùng đang chuyển giao thời tiết cho những phúc thiện tinh.
Nằm trong buồng kín trước bàn thờ gia nghiệp, ông mải miết nghĩ ngợi bao chuyện xưa cũ đã để lỡ giờ thiêng khấn VẬT BÙA. Thời khắc "chính tý" đã trôi qua vài phút rồi. Không kịp. Ông thừ người ra không rõ trong lòng thấy thế nào, tiếc nuối cơ hội hay may quá lỡ rồi. Ngồi thừ người như thế vài phút ông đứng dậy đi ra chỗ anh con trai, nhìn thấy cánh cửa mở ra ngoài sân. Không thấy anh đâu, ông nhìn ra sân. Anh con trai đang đứng im lặng ngắm sao trời. Dáng con trai ông cao đẹp trẻ khỏe, tuổi hai mươi phơi phới xuân tươi. Tuổi hai mươi tim rào rạt yêu đương, nung nấu nhiều ước mơ, sao ông lại đưa người con trai duy nhất của mình vào nghiệp ĂN TRỘM?
Ông thấy hối hận rõ ràng và thấy rõ ràng tuy ông không cố tình để lỡ giờ thiêng nhưng lỡ thế lại là may mắn. Ông nhẹ bước chân ra ngoài trời đêm sao sáng. Ông cũng không thấy lạnh, cũng thấy khoan khái dễ chịu, nhưng ông không để ý thấy sự dễ chịu bắt đầu từ không khí mà ông hít thở. Nhẹ bước chân đến cạnh anh con trai ông nói:
- Bố để lỡ giờ thiêng rồi, thôi để năm sau vậy.
- Ôi bố! năm ngoái nhỡ tới năm nay, năm nay nhỡ tới sang năm nào hả bố? Chắc giời không cho bố con mình hành nghiệp của "Tổ Nội" nữa rồi. Chắc con phải học tiếp, và lấy vợ sau tốt nghiệp bố ạ.
- Bố hiểu, hai năm nay bố con mình chưa bao giờ nói chuyện được như đêm nay. Ngay bây giờ đây bố sợ nói chệch một câu thôi thì hai bố con lại bất hòa. Bố sẽ không nói gì nữa, bố để lỡ giờ thiêng là có lỗi với "Tổ Nội", bây giờ đi ngủ ngày mai sẽ bàn.
- Bố cứ đi nghỉ trước đi, con muốn nhìn trời sao đêm nay.
Ông ừ một tiếng nhẹ và chậm rãi đi vào nhà. Ông vẫn nhớ suy nghĩ của ông trước giờ "chính tý" và điều ông nhận ra "HỐI HẬN KHÔNG BAO GIỜ MUỘN". Ông tin rằng tuổi trẻ nghĩ về điều này còn thông minh khoáng đạt hơn ông nhiều.
Liệu có một ai dám phủ nhận phần linh hồn của ông bà tổ tiên. Cho dù ông không tin tưởng gì ở quỷ thần hai vai và vô số các thần linh khác. Ông vẫn tin ở linh hồn của "Tổ Nội" rất linh thiêng sẽ hài lòng mỉm cười nơi chín suối khi cha con ông quyết tâm đổi nghiệp. "Tổ Nội" nhất định sẽ phù hộ độ trì cho cha con ông làm giàu bằng cách thứ nhất. Có thể nơi suối vàng kia "Tổ Nội" cũng hối hận vì đã lỡ tin vào "bàn tay sét đánh" và những sách nhảm nhí vớ vẩn chứa đầy những tín ngưỡng mê tín dị đoan và thiếu tình yêu thương.
Xét cho cùng kỳ lý thì cũng chỉ tại thời tiết.
Trời đất đang quay giờ khởi đầu của vòng sao THÁI TUẾ.
7-7-2006

DALAT GIÀ

ĐÀ LẠT GIÀ.
(Truyện ngắn của Hồng Hoang)

Nhớ bạn già Phùng Đệ

Bà khóa cổng xong quay ra đi cùng ông, ông đứng chực sẵn đưa tay cầm tay bà. Gió thoảng rung rinh những bông hoa trắng trước thềm nhà. Hai người tay trong tay đi trong con hẻm vắng hoe.
Mọi nhà hai bên hẻm đều để chừa một khoảng đất trồng hoa trước cửa. Ra tới đường ông thôi không cầm tay bà ông biết ý bà. Bà đưa mắt nhìn ông, mắt bà cười. Thủa xưa là cô gái chất phác, bây giờ đã già vẫn còn thấy ngượng khi người yêu cầm tay đi ngoài đường. “Có người nhìn em ngượng lắm”.
Hai người đi dọc con đường dốc còn cong cong nữa, bốn chiếc xương bánh chè lục cục bảo nhau “Ôi con đường thơ mộng”. Con đường mang tên Hồng hà nữ sĩ Đoàn thị Điểm. Họ đi về phía chiếc cầu nhỏ bắc sang đường Ánh sáng. Lộ trình đi bộ dưỡng sinh của đôi tình nhân già ở nơi định cư mới. Hai ngày đầu đến ở nơi phố núi này, ông bà đã cùng nhau đi khắp khu ở mới và chọn được tuyến đường đi bộ dưỡng sinh mỗi buổi sáng sớm.
Ông trạc chừng sáu mươi lăm, sáu mươi sáu. Bà trạc chừng năm mươi sáu, năm mươi tám tuổi. Ông có khuôn mặt đậm đặc quá khứ phong trần, có nhiều nếp nhăn chạy dài từ sau đuôi mắt xuống tới tận cằm. Một nếp nhăn dài khác từ chỗ bắt đầu của giọt lệ chạy sát qua cánh mũi, ẩn nấp một đoạn trong râu mép rồi lộ ra chạy kéo dài cũng tới tận cằm. Nét mặt đậm đặc quá khứ thiếu sự ghé thăm của may mắn là thế mà khi cười thì rất tươi, rất vô tư, một nụ cười trẻ thơ. Nhìn càng kỹ càng thấy chân dung ông rất hiền, tới mức cảm thụ được nội tâm nhân hậu của ông.
Bà người nhỏ nhắn giàu nữ tính bởi những chỗ thắt nở nhịp nhàng mạch lạc của vòng một vòng hai vòng ba dọc thân người, phần da lộ như má, cổ, ngực áo, hai cánh tay khoe rõ cơ thể bà có làn da vẫn còn trắng mịn. Bà có nét mặt dễ thương, có mi mắt to rộng như tranh vẽ những khuôn mặt con chiên ngoan đạo. Người hàng phố thấy ông bà mới đến là một cặp đẹp đôi.
Ông râu tóc chín muối một tiêu, lưng chưa gù chân chưa run. Bà lưng chưa còng tóc còn đen, dáng đi còn nhanh. Hai người là một cặp bạn tình cao tuổi. Chồng bà đã chết từ năm một nghìn chín trăm chín hai. Còn ông đã ra tòa ly dị vợ từ năm một nghìn chín trăm tám mươi tám, cách nay hơn hai chục năm rồi. Ông và bà gặp nhau, quý mến nhau nhưng không vội vã, vồ vập và rất hợp tình ý với nhau vậy mà khi ông ngỏ lời cầu thân cả năm trời sau bà mới nhận lời yêu ông.
Đám con cái hai bên biết được đã phản đối dữ quá mức bình thường. Ông đã cố gắng hết sức bình sinh vun vén mua được căn nhà nhỏ ở Đà lạt ở cùng bà. Ông và bà đã đạt được mong muốn sống những ngày cuối đời êm đềm có lứa đôi.

* * *

Đà lạt ngày nào, tuần nào, tháng nào trong năm cũng đẹp trời. Đẹp tới mức những người sống lâu đời ở đây tự nhiên muốn làm thơ, muốn vẽ tranh. Miền đất này được các triều vua nhà Nguyễn chọn làm nơi vui chơi nghỉ ngơi an dưỡng của hoàng tộc đặt tên “Hoàng triều cương thổ”. Ông theo gương vua chúa xưa chọn vùng đất này làm nơi dung thân lý tưởng cho cuộc tình cắc cớ của đôi già.
Ông nói “Mình già còn phải lòng nhau, bọn trẻ không chịu chấp nhận. Anh và em hồi mới yêu đã phải dấu bọn trẻ. Anh nhớ lúc đó anh và em yêu nhau trong bí mật như kiểu “Tình yêu tình báo”. Muốn sống công khai bên nhau phải thoát ly đi xa khuất mắt chúng nó”. Bà nói “Chắc tại ngày xưa khi chúng chưa tới tuổi mười sáu, mười bảy chuyện yêu đương của chúng bị canh chừng cấm đoán dữ quá. Hồi mới đó anh hay đùa hỏi em muốn là người yêu quý hay người yêu dấu, nếu yêu quý thì yêu nhau từng đợt ba tháng một, còn yêu dấu thì vừa yêu vừa giấu thật kín”. Ông nói “Thực ra là chúng giữ người làm Ôsin miễn phí cho chúng, trông nhà trông con cho chúng rảnh tay. Em còn nhớ có lần anh đến thăm em, anh ngồi lâu nói nhỏ, tay anh cầm tay em, chẳng hề biết đang bị con gái em theo rõi, nó đã đi tìm cái roi rồi vô cớ vụt vào đít con chó quát “Hư đốn…hư đốn” mắt nó lườm xéo anh. Anh nản quá ngồi đần ra một lúc rồi chào em anh về”. Bà nói “Bây giờ em đang ở bên anh rồi còn gì, thôi kệ chúng nó đi anh. Ở đây không ai biết mình, anh và em bên nhau thế này là hạnh phúc rồi. Nếu chúng mình ở cùng chỗ với con cái, chúng nó sẽ xấu hổ với làng xóm láng giềng, với bạn bè, với người quen khi thấy anh và em gần kề miệng lỗ mà còn phải lòng nhau, yêu nhau”. Ông nói “Chúng nó sẽ không nói em và anh yêu nhau đâu, mà nói đồ già còn hư thân mất nết chim chuột nhau, làm mất danh dự và sĩ diện của con cái. Chưa kể tới dư luận ở cơ quan nơi chúng làm việc, tổ chức công đoàn đảng ủy mà biết sẽ đánh giá bất lợi cho chúng nó, lo sợ như thế nên chúng đã cư xử rất tệ với bố mẹ”. Bà nói “Thôi kệ đi anh, quan trọng là ở đây bây giờ chỉ còn anh và em”. Ông nói “Anh biết rồi, nói chuyện với em thế thôi, còn dĩ nhiên là kệ chứ. Có em ở kề bên là anh dễ chịu rồi”
Bà nói “Em vẫn nghe chúng xoen xoét nói con nuôi cha không bằng bà nuôi ông. Nhưng khi anh và em gần nhau chăm sóc cho nhau thì con anh và cả con em tức tối lắm. Con gái anh đã nhắn tin chửi em thậm tệ và dọa thuê người hành hung em”. Ông nói “Anh thật không ngờ xảy ra chuyện đó”. Bà nói “Tại anh hết, tại anh bao cấp sau khi ly hôn và còn bao cấp cho đến tận khi con anh ba mươi tuổi, đã đi làm có lương từ lâu. Bây giờ anh lo chuyện đầu gối tay ấp cho riêng anh, các con anh chịu sao được, đứa nào cũng thế cả thôi anh”.
Ông nói “Con gái em cũng thế đấy, đứa lớn rủ cả chồng đi cùng tới tận lớp anh đang dạy học, gào chửi ầm ĩ đường phố rằng anh phá vỡ hạnh phúc gia đình em. Khi anh nói em chưa có chồng, anh chưa có vợ…,anh chưa nói hết câu thằng con rể em đã gào lên Ông biến đi… và xông tới đẩy tay vào ngực anh, lúc ấy trông mặt nó rất hung đồ. Sự phẫn nộ của nó làm anh nghĩ chính nó còn ghen điên hơn cả con gái em”. Bà nói “Em cũng buồn vì không dạy được con chúng nó đều cho rằng anh yêu em, và em yêu anh sẽ làm cho chúng mất mát nhiều về tình cảm và vật chất”. Ông nói “Đứa nào cũng ích kỷ, mỗi đứa đều viện một lý do, lý do nào cũng đầy đủ lý sự, nhưng chẳng có lý do nào có tình có hiếu cả. Anh và em khổ - già - cô đơn hy sinh cho tới bây giờ chúng đã trưởng thành mà không hề được một ly an ủi. Anh và em cũng gần cõi chết cả rồi - Khốn kiếp”. Bà nói “Thôi nghĩ chuyện đó làm gì cho mệt anh. Anh uống thuốc đi, em cũng uống thuốc đây. Hôm nay em sẽ làm món Hà nội anh thích. Mình uống vang Đà lạt anh nhé, em đi chợ đây, hay anh đi cùng em ra chợ cho vui. Anh biết không, đi một mình lúc nào em cũng nhớ anh”.
Bà nói vậy nhưng bà vẫn đi chợ một mình, bà sợ ông mệt.

* * *

Cô chị.
Mày nhắn tin cho lão ấy đi, bảo lão ấy đã dụ được mẹ đi theo, thì hãy chăm sóc mẹ cẩn thận, mẹ có nhiều bệnh mãn tính nếu để xảy ra chuyện gì với mẹ đừng trách chị em mình ác.
Cô em.
Chị khỏi nhắc em tính rồi, em chỉ nhắn tin khủng bố lão vào giờ cơm chiều và giờ đi ngủ để lão đừng mơ ăn ngon ngủ yên được với chị em mình. Bố mất sớm. Đời em chỉ có mẹ, mất mẹ là mất hết, lão ấy đã bỏ bùa bả cho mẹ và phá vỡ sự yên lành êm ấm trong gia đình mình. Trước còn có ba mẹ con, nay chị đi lấy chồng rồi nhà chỉ còn em và mẹ. Em mất mẹ là mất tất cả.
Cô chị.
Mày nói dài quá, mệt mày quá chỉ cần mày nhớ là không được để lão ấy yên thân vui với mẹ. Nếu cần tiếp tục tìm đến tận nơi ẩn náu của mẹ với lão ấy mà tổng sỉ vả giữa phố phường đông người cho lão ấy mất mặt với quần chúng nhân dân khu phố. Mặt khác chị bảo chồng chị liên hệ trong ngành với công an hộ tịch khu phố nơi lão và mẹ cư trú đưa đơn trình bày thật suy đồi và bỉ ổi về hành vi của lão với mẹ. Phải nhiều mũi giáp công mới được, còn chị sẽ trực tiếp đi gặp và bàn bạc với vợ cũ và hai con của lão. Chị phải cho lão ấy biết chị là ai. Tổng sỉ vả lão ấy lần này chị sẽ bắt mẹ theo chị về ngay. Con cái đặt đâu cha mẹ phải ngồi đấy, già rồi quậy sao được. Già rồi phải biết thân mà giữ chữ hiếu với con cái chứ.

* * *

Chợ Đà lạt ở trung tâm thành phố, hàng hóa và thực phẩm không thiếu thứ gì, y hệt như chợ Bến thành thu nhỏ. Riêng rau xanh và hoa tươi còn hơn cả chợ Bến thành. Hôm nay bà làm món bắp cải cuốn thịt băm với hành rồi chiên vàng. Món này ông đã tự tay làm cho bà thưởng thức, hôm đó ông đã khui chai vang Pháp và hướng dẫn bà tỉ mỉ cách làm. Bà cũng biết làm thịt băm hành cuộn trong lá bắp cải, nhưng là để nấu canh chứ không chiên như món của ông.
Bữa cơm có canh cà chua thịt nạc thả hành ngò rí thơm lừng, có bắp cải cuộn chiên vàng có một đĩa rau trộn và chai vang Đà lạt, toàn những món ăn giản dị, dễ làm lại ngon và nhìn đẹp mắt, ăn được cơm lắm. Ông ăn khỏe thêm một chén bà vui lắm, bà ăn khỏe thêm lưng chén ông cũng vui lắm. Cả hai vui như cha mẹ trẻ thấy con mình ăn được, ngủ được.
Không phải thường xuyên, không phải luôn luôn nhưng hạnh phúc đơn sơ đến với đôi già từng chút, từng chút một.

* * *

Em gái bảo anh trai “Anh nhắn tin cho bố nói, em buồn lắm, nhớ quê lắm, mà không có tiền mua vé máy bay. Anh hỏi bố xem thế nào, nhớ là vé khứ hồi nhé. Đừng quên tả em thê thảm vào đấy”. Anh Trai “Được để tao làm cò cho mày có vé máy bay đi chơi Hà nội. Mày không xin cũng phí, đàng nào bố cũng cho gái tiền”.
Mẹ bảo bố có số dại gái. Hì…Hì… Anh cười gì thế ? Tao cười vì nghĩ câu trả lời của bố, nếu bố nghe mày nói bố dại gái. Bố sẽ nói gì ? Bố sẽ nói dại nhất là đã lấy mẹ, cũng may là đã kịp ly dị. Anh nói mẹ thế à ? Mày bênh mẹ ư, thực ra thì với tao bố cặp bồ với ai tao không quan tâm vì bố và mẹ đã ly thân nhiều năm rồi. Quan trọng là bố đừng để xảy ra vụ chửa đẻ, tao không muốn chia thừa kế ngôi nhà này với đứa em bất đắc dĩ nào nữa. Thì em nghe mẹ hát bài ca này nhiều rồi. Chính anh cũng bàn với mẹ mãi về chuyện bố lấy vợ và có con riêng với vợ sau, em cũng nghe chán ra rồi.
Mẹ nói có lý tao thấy hợp lý nên phải như thế với bố thôi. Em biết rồi mẹ vận động em và anh ép bố nếu bố muốn lấy vợ sau phải viết giấy cho tặng quyền sở hữu nhà phần của bố cho em và anh chứ gì. Chứ sao, thế mày tưởng kiếm ra hai trăm cây vàng là dễ à ? Mẹ bảo cả tao và mày không biết tính sớm từ bây giờ sau này hại to lắm. Thôi mày biến đi để tao xin tiền bố hộ mày đi chơi Hà nội.
Nhớ văn tả em thê thảm vào đấy. Nhớ vé khứ hồi đấy.

* * *

Như mọi ngày, ông và bà đi thả bộ từ ngôi nhà vườn nhỏ trong con hẻm nhỏ nhiều hoa trên đường Đoàn Thị Điểm qua cầu nhỏ sang bên đường Ánh Sáng lại tản bộ xuôi dòng suối chảy vào hồ Xuân Hương, tới bùng binh Nguyễn Thái Học quẹo phải qua một cây cầu nhỏ nữa rồi lại quẹo phải đi vào đường Phạm Ngũ Lão, thong thả trở về điểm xuất phát.
Đà lạt sớm tinh mơ lạnh làm ông nhớ miền Bắc, nhớ mưa phùn gió bấc, nhớ gió heo may, nhớ cái lạnh đầu đông, nhớ Hà nội quê ông. Hà nội quê ông bây giờ đã mở rộng, thế là quê bạn ông ngày trước nay cũng thành ra là quê ông. Ông vui vì bạn ông và ông tự dưng thành ra người đồng hương. Đúng là thế gian biến cải vũng nên đồi. Bà và ông đi thong thả trên lộ trình dưỡng sinh, chỗ vắng bóng người bà khoác tay ông, ngả đầu vào vai ông nói khẽ “ Em nhớ anh lắm”. Bà yêu ông nhiều tới mức đi bên cạnh ông mà trong lòng vẫn nhớ ông quá. Bà rất sợ xa ông. Ông lấy ngón tay trỏ gẩy nhẹ vào chóp mũi bà rồi nói “Anh cũng nhớ em lắm” rồi cả hai cùng ôm vai nhau. Ông và bà tới trước cửa nhà lúc nào không hay, quãng đường đi bộ dưỡng sinh thật ngắn, hay quãng đường tình yêu thật ngắn ông không hiểu, còn tôi và bạn thì đã đành là không hiểu rồi.
Bà lách cách mở cổng, ông đứng sau lưng bà nhìn vào trong sân ngôi nhà mới của đôi lứa già, nhiều bông hoa trắng nhỏ đung đưa trong gió thoảng. Hễ cứ vắng bóng người là hoa nở đẹp hơn. Sao thế hả hoa ?
Bà đã mở cổng xong, ông bà vào sân nhà, giờ đến lượt mở hai cánh cửa của mặt tiền ngôi nhà. Ông đứng dưới bậc tam cấp ngắm hoa và hít thở không khí tinh khôi của buổi sớm Đà lạt trong vườn nhà. Bây giờ ông đã có bà là người tay hòm chìa khóa, đầu gối tay ấp lúc tuổi già. Người bạn đời khúc cuối.
Suốt một thời, suốt hai thời ba thời đã qua của đời ông bây giờ ông đã già, tóc râu đã chín muối một tiêu, ông mới cảm thấy hạnh phúc đang đến gần.
Đời ông, đời một ông người gian truân sinh kế mãi rồi cũng được thảnh thơi an nhàn tý chút. Ông chợt nhận ra cũng may là mình đã già.
Chúc cho tâm hồn ông an lành không còn nỗi lo âu sợ hãi phi lý bâng quơ nào nữa.

* * *

Cô em.
Chị đoán xem lão ấy có xui mẹ bán nhà chia ba để mẹ mang phần vàng của mẹ theo lão ấy không ?
Cô chị.
Tất nhiên là mẹ muốn thế rồi, mày là con ngốc, thế mà cũng phải hỏi. Tao nghĩ nhất định mẹ sẽ bán nhà đi với giai già, vấn đề là thời điểm thôi. Mày có biết tài sản thừa kế quan trọng thế nào không ? Tao nhớ đã đọc báo đăng một đứa bé trai mười lăm tuổi đã giết bà nội khi bà nội lấy thừa kế của bố nó chia cho chú nó khi chú nó làm ăn bị phá sản, mày phải biết là báo đăng đấy nhá. Mày nghĩ đi nếu mẹ đem tiền thừa kế của tao với mày đi với lão giai già. Mày chịu nổi không ? Không giết lão là phúc cho lão rồi.


Cô em.
Phải phá bằng được cuộc tình này thôi. Không cho mẹ đi đâu hết. Có lần điên quá khi thấy mẹ ngồi khóc vì lão giai già ấy em đã hét vào mặt mẹ “Mẹ có tin là con giết được lão ấy không ? ”
Cô chị.
Sau này bán nhà số tiền ấy chỉ chia đôi cho tao và mày thôi. Tao chấp nhận nuôi mẹ đến trăm tuổi nhưng mày phải nộp cho tao mười cây vàng tiền nghĩa vụ con với mẹ.
Cô em.
Chị có điên không đấy ? Tại sao tôi phải đưa mười cây vàng cho chị ? Chị đừng nói nuôi mẹ nhá, mẹ có lương hưu không thấp đâu. Chị muốn chiếm mẹ làm Ôsin không công thì có. Mẹ ở với ai tùy ý mẹ. Chị đừng tinh tướng.
Cô chị.
Thôi được chuyện ấy còn lâu. Bây giờ mày nhắn tin khủng bố lão ấy chưa?
Cô em.
Đợi tới giờ cơm chiều!

* * *

Bà nói “Em thích được ở đây bên anh, không ngờ được ở bên anh sớm thế này”. Ông nói “Thế em nghĩ đến bao giờ?” Bà nói “Em cứ nghĩ là tới khi con út lấy chồng em sẽ đến sống chung với anh”. Ông nói “Lâu quá ba năm nữa nó làm tốt nghiệp, cũng phải vài năm sau nó mới có thể lấy chồng. Lúc đó anh và em nói lắp hết rồi”. Bà nói “Anh nhìn luống hoa ngoài cửa sổ kìa,mấy con bướm bay vui không. Sáng nào em cũng dậy sớm nghe tiếng chim hót, ra mở cửa thấy lá rụng bên thềm và luống hoa có bướm lượn như thế”.
Ông nói “Anh đã muốn ở Đà lạt từ lâu nhưng không ngờ là thu xếp được ngay trong năm nay. May nhất là chúng mình bên nhau rồi mà chưa tới mức già yếu đến nỗi tay run run không cầm được ly nước uống gói thuốc nhuận tràng em mua cho anh”. Bà nói ngắt lời ông “Anh lại sắp bảo còn may mà tay em cũng chưa run run, còn cầm được ly nước uống gói thuốc lợi tiểu quà mừng sinh nhật của anh chứ gì ? Anh được cái hay đùa”.Ông nói “Đùa gì đâu, anh nói thật đấy ngày xưa khi còn trẻ anh đi chơi với bạn gái ngồi ghế đá công viên, ở ghế đá gần đó có hai ông bà già, anh nhớ cũng chỉ già hơn anh và em bây giờ vài tuổi thôi. Trông họ nghèo rõ ràng, anh nghe lỏm chuyện của họ mà không quên tới bây giờ. Bây giờ đến lượt anh già”.
Bà nói “Anh kể đi”. Bà giấu nhẹm không cho ông biết bà đã nghe ông kể chuyện này rồi. Ông nói “Anh thấy ông già đó lấy trong túi ra hai tờ mười đồng đưa cho bà già đó. Bà già đó nói “Thôi ông cất đi, từ nay ông không phải san sẻ cho tôi nữa.” Ông già đó lại nói “Bà cầm lấy này”. Bà già đó nói “Ông cất đi mà, mình gặp nhau lần này là lần cuối nhé. Tôi cầu giời khấn Phật cho ông mạnh khỏe.” Ông già đó nói “Bà sao thế ? Bà chia tay tôi ? Bà gặp ai rồi ?”. Bà già đó “Ông vớ vẩn, con gái và con dâu của ông đi rình tôi với ông ba sáng liền, chúng biết hết rồi, hai đứa dọa đánh tôi chúng nó bảo tôi là con đĩ già đi chài giai từng đồng, nếu chúng còn thấy tôi đi với ông nhất định chúng nó sẽ đánh. Nó còn nói nó sẽ dắt chó theo xùy chó cắn. Tôi sợ lắm, chúng nó đẩy một cái thì tôi chết”. Ông già đó “Thôi chúng nó lại làm khổ tôi rồi. Chúng nó tặng sinh nhật nhau vừa quà, vừa hoa hồng, chúng nó nói với nhau có bánh mì phải có hoa hồng, vậy mà chúng đối xử như thế với tôi. Tôi cực thân quá bà ơi”. Bà già đó “Thôi tôi cầu chúc ông mạnh khỏe, tôi không gặp ông nữa, ông đừng đi đón đường tôi nhé”.
Anh thấy hai mái đầu già chụm vào nhau, bốn bàn tay già vò cuốn xoa xít tha thiết nhau một lúc bà già đó đứng lên bỏ đi. Ghế đá chỉ còn ông già ngồi như pho tượng đã một mình ở đó từ lâu, như trước đó chưa hề có ai ngồi bên. Như trước đó chưa hề có hoa hồng. Anh bỗng thấy vai ông già đó giật giật nhẹ, anh tưởng ông cụ khóc, nhìn kỹ mới thấy ông cụ không khóc, ông đang xé vụn mấy tờ tiền giấy. Ông cụ xé bỏ bánh mì”.
Bà nói “Chuyện của anh hay thế chắc là bịa rồi, nhất là chỗ xé bánh mì. Phí chết. Hoa hồng đi rồi vẫn còn kỷ niệm chứ anh. Em thế đấy, bao giờ không có anh em sẽ sống một mình bằng kỷ niệm đã có với anh”. Ông nói “ Tất cả rồi sẽ qua đi em ạ, em lãng mạn đấy em có biết không ?” Bà nói “Không” phồng to hai má môi ngậm điệu như các nữ sinh. Bà nói tiếp “Má em mới là lãng mạn để yên để em kể anh nghe.
Mấy chị em em lúc đó đã trưởng thành, nhưng chưa ai yêu. Má em có bồ. Ba em buồn lắm, ông cố lơ đi vì ông yêu má, ông sợ mất má. Một thời gian sau má cương quyết đòi ly dị. Ba em rất đau khổ nhưng ông vẫn ký đơn li dị má. Má em kết hôn với ông bồ đó thành ông chồng sau của má, hai người ở với nhau được khoảng bốn năm, chưa đến năm năm thì ông chồng sau của má được con cái ở Mỹ bảo lãnh cho đi định cư ở Mỹ theo chương trình đoàn tụ gia đình. Ông ấy đã đi và bỏ má ở lại. Má em sống độc thân.
Không biết từ đâu nhà ba em biết hết, những ngày đó ba rất mong má trở về. Chúng em ghét má, khi ba và má ly hôn tất cả chúng em đều nói với tòa chúng em ở với ba. Một lần em trông ba trong bệnh viện quân y, ngày xưa ba em là trung tá trong quân đội nhân dân Việt Nam, ba buồn lắm nhiều đêm không thể nào ngủ được không phải vì bệnh, mà vì nhớ má em. Lần đó bên giường bệnh ba bảo em “Con đi gọi má về cho ba, ba buồn lắm” ngày đó em hiểu tình yêu rất ngây ngô, em đã nói với ba “Con không gọi má về đâu, má không xứng đáng, ba đừng buồn đã có chị em con bên ba”. Em nhìn thấy rõ nước mắt lăn trên gò má của ba mà em vẫn không hiểu trái tim yêu đương của ba.
Em ân hận đã không đi gọi má về với ba về với chúng em. Muộn rồi. Em ân hận cả những lần em đến tận chỗ má ở với người chồng sau và chửi bới ông ta thậm tệ. Bây giờ con anh và con em có làm gì sừng cồ gây gổ sỉ nhục em, em cũng không giận vì tất cả là lỗi của em từ ngày xưa rồi. Cứ có anh ở bên như thế này là trời thương nhiều lắm rồi, em không dám đòi hỏi gì hơn”.
Ông nói “Chuyện của em còn hay hơn chuyện của anh, nhưng còn hay hơn nữa là em đã kể chuyện này cho anh nghe đến bốn lần rồi mà không nhớ. Em hay quên, hay kể đi kể lại mãi một chuyện thật đáng yêu…ha…ha…ha”. Bà nói “Anh lại chế riễu em rồi, thì em biết anh còn minh mẫn và phong độ mà”. Ông nói “Em làm anh lo lắng khi nghĩ đến lúc chúng mình già yếu hơn thế này lại phải về với những đứa con bất hiếu ích kỷ buộc chúng nó phải chăm sóc, chúng nó sẽ vừa chăm vừa chửi như té nước vào mặt. Anh chẳng có tý hy vọng nào vào đức hiếu nghĩa với đấng sinh thành của hai đứa con anh”. Bà nói “Em cũng tính tới lúc đó rồi. Lúc đó anh bán ngôi nhà vườn này đi, anh và em sẽ vào viện dưỡng lão. Số em cũng không được con cái báo hiếu đâu”. Ông nói “Chắc phải thế rồi, em tính vừa nhanh vừa chuẩn làm anh lại nhớ khi anh mới lớn ở tầm thanh niên choai choai bố anh đã bảo anh rằng đàn bà tính nhẩm nhanh hơn đàn ông”.
Bà hứ một tiếng khe khẽ trong cổ, bà và ông cùng cười rồi họ nhẹ nhàng ôm vai nhau chưa tới ba mươi giây. Ông bà đợi trời Đà lạt tối hẳn để cùng đi nằm. Ông đã tắt điện thoại cầm tay.
Hai người nằm duỗi thẳng chân, chiếc chăn mỏng đắp chung kéo cao ngang ngực. Trong chăn là tay trong tay, họ không còn sức ham muốn như tình yêu của tuổi trẻ nhưng họ cũng như tuổi trẻ không thể thiếu tình yêu, cho dù tình yêu đó tồn tại trong bấp bênh.

* * *

Lời cuối.
Tuy rằng “Đà lạt già” là truyện ngắn hoàn toàn hư cấu, không hề có thật nhưng tác giả vẫn chân thành xin lỗi bạn đọc nào chạnh lòng vì truyện này giống như cuộc đời của bạn ./.




18/12/2008

Cư xá Bắc hải P15 Q10, TpHCM.

TRUYỆN DỄ HIỂU

TRUYÊN DỄ HIỂU
Bữa ăn sáng ở phòng chờ xuất viện đã ở đoạn kết, mọi người dự cuộc vẫn chưa hết lưu luyến.
Trước khi vào điều trị ở bệnh viện tâm thần này họ đều là những thành viên tốt của xã hội.
Chỉ vì, sức khỏe của họ đã không chịu nổi lòng tốt của họ, nên đâu đấy trong sự thái quá của ý chí họ đã bị bệnh tâm thần. Nhưng thôi đó là chuyện cũ kĩ, chuyện của trước kia, còn bây giờ thì ổn cả rồi.
Ngày hôm nay họ tập trung ở căn phòng này, với chứng chỉ sức khỏe tốt, tâm thần họ đã trở lại bình thường. Trong bầu không khí vui chung, hồ hởi, phấn khởi tất cả những cái mắt vui vẻ nhìn nhau tin tưởng.
Bỗng có một người nói:
- Tôi có tiền đây.
Một số người nói: " thế à", một số khác nói "hay lắm", cũng có người lặng thinh.
Thấy vậy người vừa nói đó nói lại to hơn, như hô một khẩu lệnh:
- Tôi... có tiền đấy.
Cả nhóm người có vẻ như cùng ngơ ngác một chút. Trong nhóm có tiếng trả lời cũng to như thế:
- Hay lắm, gọi bia tiger gọi thêm đồ nhắm, chúng ta sửa đổi bữa ăn sáng thành buổi liên hoan. Thưa các bạn, chúng ta kéo dài ra cái vui vẻ này.
Thật đúng là cho dù ở đâu thì hễ có tiền là niềm vui có thể được kéo dài thêm ra, và kéo dài cho tới khi người nói câu "tôi có tiền đây" lại tự nhiên đứng lên giữa cuộc tiệc hét to:
- Thôi chết rồi!
Thấy mọi người mải vui vẻ không để ý mấy, ông ta hét to hơn:
- Thôi... chết... tôi rồi!
Bây giờ thì cả nhóm người mới lại ngơ ngác một chút, giống như lúc trước. Người đã từng bình tĩnh hô to "Hay lắm, gọi bia tiger..." thì bây giờ vẫn hô to: bình tĩnh.
- Này bạn kia! chết rồi cái gì đấy?
Người có tiền trả lời toáng lên:
- Hết tiền của tôi rồi!
Cả nhóm người vẫn im lặng.
Trong sự im lặng chung ấy, có tiếng nói nghe rất rõ: Đề nghị mọi người trật tự, và tất cả đã trật tự ngay, ước chừng trật tự kéo dài được độ ba mươi giây. Kế liền đó là một người khác đứng lên. Ông này là bạn đồng hương và đồng bệnh của ông vừa yêu cầu mọi người trật tự. Hai người này làm cùng cơ quan, cùng vào viện tâm thần một ngày nhưng ở khác buồng. Hôm nay họ lại cùng xuất viện để tái hòa nhập vào xã hội.
Ông ta đứng giữa đám đông, để một tay lên ngực nói:
- Thưa các bạn đồng bệnh... Có cuộc vui nào không kết thúc, hỏi?
Thấy không ai trả lời được, ông hạ giọng xuống và nói âu yếm:
- Chúng ta sẽ sống có ý nghĩa hơn nếu chúng ta biết mở ra liên tục những cuộc vui, không chỉ cho riêng ta mà cho cả mọi người. Thưa các bạn một khi ta biết tổ chức tốt, ta sẽ có tất cả. Phải không các bạn?
Trong đám đông nổi lên tiếng xì xầm: Tay này khá đấy. Tay này cũng văn chương lắm đấy.
Kệ cho mọi người xì xầm, ông ta dùng cái tay đang đặt sẵn lên ngực từ trước, tự đập liên hồi vào chỗ trái tim rồi nói tiếp:
- Thưa các bạn, như tôi đã nói với các bạn, và như các bạn đã biết, cuộc vui nào cũng có lúc kết. Chúng ta nên kết bữa liên hoan sáng ở đây và theo tôi mở ra cuộc vui mới không cần tiền, chỉ cần một viên phấn. Điều quan trọng là phải có quyết tâm, nhất trí cao. Thế nào các bạn đồng bệnh đồng ý không?
Tất cả đều đã trật tự và nhất trí cao. Ông đang nói lại tiếp tục nói:
- Nào nữ đồng chí đứng gần cửa, ra ngay phòng trực ban điều (xin) một viên phấn vào đây.
- Chỉ một loáng sau ông ta có phấn trong tay. Ông yêu cầu tất cả cùng bắt tay thu dọn mặt bằng cho thoáng. Ông lấy phấn vạch một đường thật rõ xuống sàn xi măng rồi nói:
- Tất cả chúng ta sẽ chui qua sợi dây này. Ai chui qua được, người đó sẽ có danh dự cao quý nhất.
Y
Hôm nay có vị khách trên bộ đến thăm Viện. Bà Viện trưởng đã mời vị khách quý tham quan những hơn mười người đã lành bệnh đang ở phòng chờ xuất viện.
Tới nơi, mọi người và vị khách đều ngạc nhiên khi thấy tất cả nhóm lành bệnh ấy đang ngồi trên sàn với đủ dáng vẻ: ôm đầu, tựa gối, trán nhăn mắt nheo, trông rất suy tư, mà chóp mũi của ai ai cũng máu chảy toe toét dính lẫn với bụi phấn trắng.
Cái ông bầy ra trò chơi chui qua dây vẽ, đã đàng hoàng tự đứng ra thay mặt mọi người tiếp đón và trình bầy hoàn cảnh. Vị khách cũng thấy có buồn cười, nhưng vẫn vỗ vai ông ta khen: "KHÁ". Còn bà giám đốc lo lắng nhìn vị khách quý trên Bộ. Bà biết không thể cho bệnh nhân ra viện với cái mũi bê bết máu như thế. Vị khách cũng biết. Nhưng ông hiểu khác, ông an ủi bà: Đồng chí đừng lo, không sao cả. Bây giờ chúng ta chỉ cần chữa mũi thôi. Họ giờ đây đã biết nghĩ cả rồi, đồng chí cứ tập trung họ ở đây điều trị cho lành mũi rồi xuất viện luôn.
Thuốc mỡ loại tốt làm lành da rất mau. Những cái mũi đã mài xuống sàn xi măng sẽ được liền da ngay sau lúc bôi thuốc chỉ độ mươi giờ đồng hồ. Điều quan trọng là những vị đó phải ngừng ngay việc chui qua sợi dây vẽ kể từ khi mũi đã được bôi thuốc.
Một tuần qua rồi, hơn mười cái mũi ở phòng chờ xuất viện vẫn tóe máu, bà Viện trưởng nghĩ ngợi lung lắm về sợi dây. Một chiều ráng mỡ gà kia bỗng bà cười to một mình và nói: "hay lắm" chồng bà không hiểu, ông hỏi bà: Gì thế mình? Bà trả lời: họ phải chui qua cái dây mình ạ! Ông nhướng cao cặp lông mày đợi bà giải thích. Bà chỉ cười nói "hay lắm" Nhưng bà cũng nhìn ông và cũng hiểu ông chưa hiểu bà. Bà nói: Mình ở chuyên môn khác không hiểu đâu, phải có cùng tầm tư duy với họ mình ạ. Vấn đề vẫn là "quan niệm" thôi, thật vậy đấy mình ạ. Mình yêu ơi! Mình làm gì cũng nhớ hộ em câu này: "Quan niệm là điểm tựa của hành động" đấy mình.
Mai mình đưa em đi làm và đón em về nhé, dần dà rồi mình sẽ hiểu nghề của em.
Còn chồng của bà lại rụt rè nghĩ rằng "xin đừng cho tôi một điểm tựa... tôi mệt lắm rồi".
Y
Ông chồng của bà Viện trưởng viện tâm thần vẫn đều đặn đưa đón vợ trên đường đi làm của ông. Ông thường kể chuyện với mọi người ở cơ quan ông về phương pháp điều trị xuất sắc của vợ, về sợi dây vẽ, về những cái mũi...
Ai cũng biết vợ ông đã vẽ sợi dây khác lên trần nhà và những vị sứt mũi kia đã sung sướng, đã thoải mái vì vấn đề được giải quyết thỏa đáng. Những người được xuất viện đã tái hòa nhập vào xã hội.
Ông còn kể rằng: Các cậu biết không? Có một bệnh nhân đã được điều trị lành bệnh, vợ tớ cho làm người giúp việc riêng. Có lần ở phòng cô ấy mất điện, tay giúp việc đó trèo lên treo người vào móc đèn, vợ tớ bảo hắn xuống mau, hắn nói: Ồ không được em còn đang tỏa sáng để chị làm việc mà?
Vợ tớ nhăn trán, nhưng không lâu đâu, ước chừng khoảng ba mươi giây, rồi tiếp tục làm việc vì cô ấy hiểu ra ngay là anh ta lấy thân mình thay thế bóng đèn.
Tớ hỏi vợ tớ: Sao mình không cho hắn xuống? Vợ tớ trợn tròn to mắt lườm tớ gắt giật cục: Mình thật vớ vẩn cho hắn xuống để mất điện à? nghĩ ngợi một lát (cũng không lâu đâu chừng khoảng ba mươi giây) vợ tớ dịu mắt xuống thành đột ngột mơ màng đổi sang giọng dịu dàng âu yếm nói với tớ:
Chẳng nhẽ mình không thấy được tinh thần tuyệt vời của anh ta sao?
Các cậu thấy không vấn đề là quan niệm thế nào thôi.
Khi ta đã có một quan niệm tốt thì... ờ Vợ tớ nói đúng một khi hiểu đúng tầm cỡ tư duy của họ và cùng tư duy ngang tầm với họ thì có gì là không ổn nào...?
Hà nội 8-1995
(Tạp chí Sông Hương số xuân 1999)