Thứ Tư, 30 tháng 9, 2009

DALAT GIÀ

ĐÀ LẠT GIÀ.
(Truyện ngắn của Hồng Hoang)

Nhớ bạn già Phùng Đệ

Bà khóa cổng xong quay ra đi cùng ông, ông đứng chực sẵn đưa tay cầm tay bà. Gió thoảng rung rinh những bông hoa trắng trước thềm nhà. Hai người tay trong tay đi trong con hẻm vắng hoe.
Mọi nhà hai bên hẻm đều để chừa một khoảng đất trồng hoa trước cửa. Ra tới đường ông thôi không cầm tay bà ông biết ý bà. Bà đưa mắt nhìn ông, mắt bà cười. Thủa xưa là cô gái chất phác, bây giờ đã già vẫn còn thấy ngượng khi người yêu cầm tay đi ngoài đường. “Có người nhìn em ngượng lắm”.
Hai người đi dọc con đường dốc còn cong cong nữa, bốn chiếc xương bánh chè lục cục bảo nhau “Ôi con đường thơ mộng”. Con đường mang tên Hồng hà nữ sĩ Đoàn thị Điểm. Họ đi về phía chiếc cầu nhỏ bắc sang đường Ánh sáng. Lộ trình đi bộ dưỡng sinh của đôi tình nhân già ở nơi định cư mới. Hai ngày đầu đến ở nơi phố núi này, ông bà đã cùng nhau đi khắp khu ở mới và chọn được tuyến đường đi bộ dưỡng sinh mỗi buổi sáng sớm.
Ông trạc chừng sáu mươi lăm, sáu mươi sáu. Bà trạc chừng năm mươi sáu, năm mươi tám tuổi. Ông có khuôn mặt đậm đặc quá khứ phong trần, có nhiều nếp nhăn chạy dài từ sau đuôi mắt xuống tới tận cằm. Một nếp nhăn dài khác từ chỗ bắt đầu của giọt lệ chạy sát qua cánh mũi, ẩn nấp một đoạn trong râu mép rồi lộ ra chạy kéo dài cũng tới tận cằm. Nét mặt đậm đặc quá khứ thiếu sự ghé thăm của may mắn là thế mà khi cười thì rất tươi, rất vô tư, một nụ cười trẻ thơ. Nhìn càng kỹ càng thấy chân dung ông rất hiền, tới mức cảm thụ được nội tâm nhân hậu của ông.
Bà người nhỏ nhắn giàu nữ tính bởi những chỗ thắt nở nhịp nhàng mạch lạc của vòng một vòng hai vòng ba dọc thân người, phần da lộ như má, cổ, ngực áo, hai cánh tay khoe rõ cơ thể bà có làn da vẫn còn trắng mịn. Bà có nét mặt dễ thương, có mi mắt to rộng như tranh vẽ những khuôn mặt con chiên ngoan đạo. Người hàng phố thấy ông bà mới đến là một cặp đẹp đôi.
Ông râu tóc chín muối một tiêu, lưng chưa gù chân chưa run. Bà lưng chưa còng tóc còn đen, dáng đi còn nhanh. Hai người là một cặp bạn tình cao tuổi. Chồng bà đã chết từ năm một nghìn chín trăm chín hai. Còn ông đã ra tòa ly dị vợ từ năm một nghìn chín trăm tám mươi tám, cách nay hơn hai chục năm rồi. Ông và bà gặp nhau, quý mến nhau nhưng không vội vã, vồ vập và rất hợp tình ý với nhau vậy mà khi ông ngỏ lời cầu thân cả năm trời sau bà mới nhận lời yêu ông.
Đám con cái hai bên biết được đã phản đối dữ quá mức bình thường. Ông đã cố gắng hết sức bình sinh vun vén mua được căn nhà nhỏ ở Đà lạt ở cùng bà. Ông và bà đã đạt được mong muốn sống những ngày cuối đời êm đềm có lứa đôi.

* * *

Đà lạt ngày nào, tuần nào, tháng nào trong năm cũng đẹp trời. Đẹp tới mức những người sống lâu đời ở đây tự nhiên muốn làm thơ, muốn vẽ tranh. Miền đất này được các triều vua nhà Nguyễn chọn làm nơi vui chơi nghỉ ngơi an dưỡng của hoàng tộc đặt tên “Hoàng triều cương thổ”. Ông theo gương vua chúa xưa chọn vùng đất này làm nơi dung thân lý tưởng cho cuộc tình cắc cớ của đôi già.
Ông nói “Mình già còn phải lòng nhau, bọn trẻ không chịu chấp nhận. Anh và em hồi mới yêu đã phải dấu bọn trẻ. Anh nhớ lúc đó anh và em yêu nhau trong bí mật như kiểu “Tình yêu tình báo”. Muốn sống công khai bên nhau phải thoát ly đi xa khuất mắt chúng nó”. Bà nói “Chắc tại ngày xưa khi chúng chưa tới tuổi mười sáu, mười bảy chuyện yêu đương của chúng bị canh chừng cấm đoán dữ quá. Hồi mới đó anh hay đùa hỏi em muốn là người yêu quý hay người yêu dấu, nếu yêu quý thì yêu nhau từng đợt ba tháng một, còn yêu dấu thì vừa yêu vừa giấu thật kín”. Ông nói “Thực ra là chúng giữ người làm Ôsin miễn phí cho chúng, trông nhà trông con cho chúng rảnh tay. Em còn nhớ có lần anh đến thăm em, anh ngồi lâu nói nhỏ, tay anh cầm tay em, chẳng hề biết đang bị con gái em theo rõi, nó đã đi tìm cái roi rồi vô cớ vụt vào đít con chó quát “Hư đốn…hư đốn” mắt nó lườm xéo anh. Anh nản quá ngồi đần ra một lúc rồi chào em anh về”. Bà nói “Bây giờ em đang ở bên anh rồi còn gì, thôi kệ chúng nó đi anh. Ở đây không ai biết mình, anh và em bên nhau thế này là hạnh phúc rồi. Nếu chúng mình ở cùng chỗ với con cái, chúng nó sẽ xấu hổ với làng xóm láng giềng, với bạn bè, với người quen khi thấy anh và em gần kề miệng lỗ mà còn phải lòng nhau, yêu nhau”. Ông nói “Chúng nó sẽ không nói em và anh yêu nhau đâu, mà nói đồ già còn hư thân mất nết chim chuột nhau, làm mất danh dự và sĩ diện của con cái. Chưa kể tới dư luận ở cơ quan nơi chúng làm việc, tổ chức công đoàn đảng ủy mà biết sẽ đánh giá bất lợi cho chúng nó, lo sợ như thế nên chúng đã cư xử rất tệ với bố mẹ”. Bà nói “Thôi kệ đi anh, quan trọng là ở đây bây giờ chỉ còn anh và em”. Ông nói “Anh biết rồi, nói chuyện với em thế thôi, còn dĩ nhiên là kệ chứ. Có em ở kề bên là anh dễ chịu rồi”
Bà nói “Em vẫn nghe chúng xoen xoét nói con nuôi cha không bằng bà nuôi ông. Nhưng khi anh và em gần nhau chăm sóc cho nhau thì con anh và cả con em tức tối lắm. Con gái anh đã nhắn tin chửi em thậm tệ và dọa thuê người hành hung em”. Ông nói “Anh thật không ngờ xảy ra chuyện đó”. Bà nói “Tại anh hết, tại anh bao cấp sau khi ly hôn và còn bao cấp cho đến tận khi con anh ba mươi tuổi, đã đi làm có lương từ lâu. Bây giờ anh lo chuyện đầu gối tay ấp cho riêng anh, các con anh chịu sao được, đứa nào cũng thế cả thôi anh”.
Ông nói “Con gái em cũng thế đấy, đứa lớn rủ cả chồng đi cùng tới tận lớp anh đang dạy học, gào chửi ầm ĩ đường phố rằng anh phá vỡ hạnh phúc gia đình em. Khi anh nói em chưa có chồng, anh chưa có vợ…,anh chưa nói hết câu thằng con rể em đã gào lên Ông biến đi… và xông tới đẩy tay vào ngực anh, lúc ấy trông mặt nó rất hung đồ. Sự phẫn nộ của nó làm anh nghĩ chính nó còn ghen điên hơn cả con gái em”. Bà nói “Em cũng buồn vì không dạy được con chúng nó đều cho rằng anh yêu em, và em yêu anh sẽ làm cho chúng mất mát nhiều về tình cảm và vật chất”. Ông nói “Đứa nào cũng ích kỷ, mỗi đứa đều viện một lý do, lý do nào cũng đầy đủ lý sự, nhưng chẳng có lý do nào có tình có hiếu cả. Anh và em khổ - già - cô đơn hy sinh cho tới bây giờ chúng đã trưởng thành mà không hề được một ly an ủi. Anh và em cũng gần cõi chết cả rồi - Khốn kiếp”. Bà nói “Thôi nghĩ chuyện đó làm gì cho mệt anh. Anh uống thuốc đi, em cũng uống thuốc đây. Hôm nay em sẽ làm món Hà nội anh thích. Mình uống vang Đà lạt anh nhé, em đi chợ đây, hay anh đi cùng em ra chợ cho vui. Anh biết không, đi một mình lúc nào em cũng nhớ anh”.
Bà nói vậy nhưng bà vẫn đi chợ một mình, bà sợ ông mệt.

* * *

Cô chị.
Mày nhắn tin cho lão ấy đi, bảo lão ấy đã dụ được mẹ đi theo, thì hãy chăm sóc mẹ cẩn thận, mẹ có nhiều bệnh mãn tính nếu để xảy ra chuyện gì với mẹ đừng trách chị em mình ác.
Cô em.
Chị khỏi nhắc em tính rồi, em chỉ nhắn tin khủng bố lão vào giờ cơm chiều và giờ đi ngủ để lão đừng mơ ăn ngon ngủ yên được với chị em mình. Bố mất sớm. Đời em chỉ có mẹ, mất mẹ là mất hết, lão ấy đã bỏ bùa bả cho mẹ và phá vỡ sự yên lành êm ấm trong gia đình mình. Trước còn có ba mẹ con, nay chị đi lấy chồng rồi nhà chỉ còn em và mẹ. Em mất mẹ là mất tất cả.
Cô chị.
Mày nói dài quá, mệt mày quá chỉ cần mày nhớ là không được để lão ấy yên thân vui với mẹ. Nếu cần tiếp tục tìm đến tận nơi ẩn náu của mẹ với lão ấy mà tổng sỉ vả giữa phố phường đông người cho lão ấy mất mặt với quần chúng nhân dân khu phố. Mặt khác chị bảo chồng chị liên hệ trong ngành với công an hộ tịch khu phố nơi lão và mẹ cư trú đưa đơn trình bày thật suy đồi và bỉ ổi về hành vi của lão với mẹ. Phải nhiều mũi giáp công mới được, còn chị sẽ trực tiếp đi gặp và bàn bạc với vợ cũ và hai con của lão. Chị phải cho lão ấy biết chị là ai. Tổng sỉ vả lão ấy lần này chị sẽ bắt mẹ theo chị về ngay. Con cái đặt đâu cha mẹ phải ngồi đấy, già rồi quậy sao được. Già rồi phải biết thân mà giữ chữ hiếu với con cái chứ.

* * *

Chợ Đà lạt ở trung tâm thành phố, hàng hóa và thực phẩm không thiếu thứ gì, y hệt như chợ Bến thành thu nhỏ. Riêng rau xanh và hoa tươi còn hơn cả chợ Bến thành. Hôm nay bà làm món bắp cải cuốn thịt băm với hành rồi chiên vàng. Món này ông đã tự tay làm cho bà thưởng thức, hôm đó ông đã khui chai vang Pháp và hướng dẫn bà tỉ mỉ cách làm. Bà cũng biết làm thịt băm hành cuộn trong lá bắp cải, nhưng là để nấu canh chứ không chiên như món của ông.
Bữa cơm có canh cà chua thịt nạc thả hành ngò rí thơm lừng, có bắp cải cuộn chiên vàng có một đĩa rau trộn và chai vang Đà lạt, toàn những món ăn giản dị, dễ làm lại ngon và nhìn đẹp mắt, ăn được cơm lắm. Ông ăn khỏe thêm một chén bà vui lắm, bà ăn khỏe thêm lưng chén ông cũng vui lắm. Cả hai vui như cha mẹ trẻ thấy con mình ăn được, ngủ được.
Không phải thường xuyên, không phải luôn luôn nhưng hạnh phúc đơn sơ đến với đôi già từng chút, từng chút một.

* * *

Em gái bảo anh trai “Anh nhắn tin cho bố nói, em buồn lắm, nhớ quê lắm, mà không có tiền mua vé máy bay. Anh hỏi bố xem thế nào, nhớ là vé khứ hồi nhé. Đừng quên tả em thê thảm vào đấy”. Anh Trai “Được để tao làm cò cho mày có vé máy bay đi chơi Hà nội. Mày không xin cũng phí, đàng nào bố cũng cho gái tiền”.
Mẹ bảo bố có số dại gái. Hì…Hì… Anh cười gì thế ? Tao cười vì nghĩ câu trả lời của bố, nếu bố nghe mày nói bố dại gái. Bố sẽ nói gì ? Bố sẽ nói dại nhất là đã lấy mẹ, cũng may là đã kịp ly dị. Anh nói mẹ thế à ? Mày bênh mẹ ư, thực ra thì với tao bố cặp bồ với ai tao không quan tâm vì bố và mẹ đã ly thân nhiều năm rồi. Quan trọng là bố đừng để xảy ra vụ chửa đẻ, tao không muốn chia thừa kế ngôi nhà này với đứa em bất đắc dĩ nào nữa. Thì em nghe mẹ hát bài ca này nhiều rồi. Chính anh cũng bàn với mẹ mãi về chuyện bố lấy vợ và có con riêng với vợ sau, em cũng nghe chán ra rồi.
Mẹ nói có lý tao thấy hợp lý nên phải như thế với bố thôi. Em biết rồi mẹ vận động em và anh ép bố nếu bố muốn lấy vợ sau phải viết giấy cho tặng quyền sở hữu nhà phần của bố cho em và anh chứ gì. Chứ sao, thế mày tưởng kiếm ra hai trăm cây vàng là dễ à ? Mẹ bảo cả tao và mày không biết tính sớm từ bây giờ sau này hại to lắm. Thôi mày biến đi để tao xin tiền bố hộ mày đi chơi Hà nội.
Nhớ văn tả em thê thảm vào đấy. Nhớ vé khứ hồi đấy.

* * *

Như mọi ngày, ông và bà đi thả bộ từ ngôi nhà vườn nhỏ trong con hẻm nhỏ nhiều hoa trên đường Đoàn Thị Điểm qua cầu nhỏ sang bên đường Ánh Sáng lại tản bộ xuôi dòng suối chảy vào hồ Xuân Hương, tới bùng binh Nguyễn Thái Học quẹo phải qua một cây cầu nhỏ nữa rồi lại quẹo phải đi vào đường Phạm Ngũ Lão, thong thả trở về điểm xuất phát.
Đà lạt sớm tinh mơ lạnh làm ông nhớ miền Bắc, nhớ mưa phùn gió bấc, nhớ gió heo may, nhớ cái lạnh đầu đông, nhớ Hà nội quê ông. Hà nội quê ông bây giờ đã mở rộng, thế là quê bạn ông ngày trước nay cũng thành ra là quê ông. Ông vui vì bạn ông và ông tự dưng thành ra người đồng hương. Đúng là thế gian biến cải vũng nên đồi. Bà và ông đi thong thả trên lộ trình dưỡng sinh, chỗ vắng bóng người bà khoác tay ông, ngả đầu vào vai ông nói khẽ “ Em nhớ anh lắm”. Bà yêu ông nhiều tới mức đi bên cạnh ông mà trong lòng vẫn nhớ ông quá. Bà rất sợ xa ông. Ông lấy ngón tay trỏ gẩy nhẹ vào chóp mũi bà rồi nói “Anh cũng nhớ em lắm” rồi cả hai cùng ôm vai nhau. Ông và bà tới trước cửa nhà lúc nào không hay, quãng đường đi bộ dưỡng sinh thật ngắn, hay quãng đường tình yêu thật ngắn ông không hiểu, còn tôi và bạn thì đã đành là không hiểu rồi.
Bà lách cách mở cổng, ông đứng sau lưng bà nhìn vào trong sân ngôi nhà mới của đôi lứa già, nhiều bông hoa trắng nhỏ đung đưa trong gió thoảng. Hễ cứ vắng bóng người là hoa nở đẹp hơn. Sao thế hả hoa ?
Bà đã mở cổng xong, ông bà vào sân nhà, giờ đến lượt mở hai cánh cửa của mặt tiền ngôi nhà. Ông đứng dưới bậc tam cấp ngắm hoa và hít thở không khí tinh khôi của buổi sớm Đà lạt trong vườn nhà. Bây giờ ông đã có bà là người tay hòm chìa khóa, đầu gối tay ấp lúc tuổi già. Người bạn đời khúc cuối.
Suốt một thời, suốt hai thời ba thời đã qua của đời ông bây giờ ông đã già, tóc râu đã chín muối một tiêu, ông mới cảm thấy hạnh phúc đang đến gần.
Đời ông, đời một ông người gian truân sinh kế mãi rồi cũng được thảnh thơi an nhàn tý chút. Ông chợt nhận ra cũng may là mình đã già.
Chúc cho tâm hồn ông an lành không còn nỗi lo âu sợ hãi phi lý bâng quơ nào nữa.

* * *

Cô em.
Chị đoán xem lão ấy có xui mẹ bán nhà chia ba để mẹ mang phần vàng của mẹ theo lão ấy không ?
Cô chị.
Tất nhiên là mẹ muốn thế rồi, mày là con ngốc, thế mà cũng phải hỏi. Tao nghĩ nhất định mẹ sẽ bán nhà đi với giai già, vấn đề là thời điểm thôi. Mày có biết tài sản thừa kế quan trọng thế nào không ? Tao nhớ đã đọc báo đăng một đứa bé trai mười lăm tuổi đã giết bà nội khi bà nội lấy thừa kế của bố nó chia cho chú nó khi chú nó làm ăn bị phá sản, mày phải biết là báo đăng đấy nhá. Mày nghĩ đi nếu mẹ đem tiền thừa kế của tao với mày đi với lão giai già. Mày chịu nổi không ? Không giết lão là phúc cho lão rồi.


Cô em.
Phải phá bằng được cuộc tình này thôi. Không cho mẹ đi đâu hết. Có lần điên quá khi thấy mẹ ngồi khóc vì lão giai già ấy em đã hét vào mặt mẹ “Mẹ có tin là con giết được lão ấy không ? ”
Cô chị.
Sau này bán nhà số tiền ấy chỉ chia đôi cho tao và mày thôi. Tao chấp nhận nuôi mẹ đến trăm tuổi nhưng mày phải nộp cho tao mười cây vàng tiền nghĩa vụ con với mẹ.
Cô em.
Chị có điên không đấy ? Tại sao tôi phải đưa mười cây vàng cho chị ? Chị đừng nói nuôi mẹ nhá, mẹ có lương hưu không thấp đâu. Chị muốn chiếm mẹ làm Ôsin không công thì có. Mẹ ở với ai tùy ý mẹ. Chị đừng tinh tướng.
Cô chị.
Thôi được chuyện ấy còn lâu. Bây giờ mày nhắn tin khủng bố lão ấy chưa?
Cô em.
Đợi tới giờ cơm chiều!

* * *

Bà nói “Em thích được ở đây bên anh, không ngờ được ở bên anh sớm thế này”. Ông nói “Thế em nghĩ đến bao giờ?” Bà nói “Em cứ nghĩ là tới khi con út lấy chồng em sẽ đến sống chung với anh”. Ông nói “Lâu quá ba năm nữa nó làm tốt nghiệp, cũng phải vài năm sau nó mới có thể lấy chồng. Lúc đó anh và em nói lắp hết rồi”. Bà nói “Anh nhìn luống hoa ngoài cửa sổ kìa,mấy con bướm bay vui không. Sáng nào em cũng dậy sớm nghe tiếng chim hót, ra mở cửa thấy lá rụng bên thềm và luống hoa có bướm lượn như thế”.
Ông nói “Anh đã muốn ở Đà lạt từ lâu nhưng không ngờ là thu xếp được ngay trong năm nay. May nhất là chúng mình bên nhau rồi mà chưa tới mức già yếu đến nỗi tay run run không cầm được ly nước uống gói thuốc nhuận tràng em mua cho anh”. Bà nói ngắt lời ông “Anh lại sắp bảo còn may mà tay em cũng chưa run run, còn cầm được ly nước uống gói thuốc lợi tiểu quà mừng sinh nhật của anh chứ gì ? Anh được cái hay đùa”.Ông nói “Đùa gì đâu, anh nói thật đấy ngày xưa khi còn trẻ anh đi chơi với bạn gái ngồi ghế đá công viên, ở ghế đá gần đó có hai ông bà già, anh nhớ cũng chỉ già hơn anh và em bây giờ vài tuổi thôi. Trông họ nghèo rõ ràng, anh nghe lỏm chuyện của họ mà không quên tới bây giờ. Bây giờ đến lượt anh già”.
Bà nói “Anh kể đi”. Bà giấu nhẹm không cho ông biết bà đã nghe ông kể chuyện này rồi. Ông nói “Anh thấy ông già đó lấy trong túi ra hai tờ mười đồng đưa cho bà già đó. Bà già đó nói “Thôi ông cất đi, từ nay ông không phải san sẻ cho tôi nữa.” Ông già đó lại nói “Bà cầm lấy này”. Bà già đó nói “Ông cất đi mà, mình gặp nhau lần này là lần cuối nhé. Tôi cầu giời khấn Phật cho ông mạnh khỏe.” Ông già đó nói “Bà sao thế ? Bà chia tay tôi ? Bà gặp ai rồi ?”. Bà già đó “Ông vớ vẩn, con gái và con dâu của ông đi rình tôi với ông ba sáng liền, chúng biết hết rồi, hai đứa dọa đánh tôi chúng nó bảo tôi là con đĩ già đi chài giai từng đồng, nếu chúng còn thấy tôi đi với ông nhất định chúng nó sẽ đánh. Nó còn nói nó sẽ dắt chó theo xùy chó cắn. Tôi sợ lắm, chúng nó đẩy một cái thì tôi chết”. Ông già đó “Thôi chúng nó lại làm khổ tôi rồi. Chúng nó tặng sinh nhật nhau vừa quà, vừa hoa hồng, chúng nó nói với nhau có bánh mì phải có hoa hồng, vậy mà chúng đối xử như thế với tôi. Tôi cực thân quá bà ơi”. Bà già đó “Thôi tôi cầu chúc ông mạnh khỏe, tôi không gặp ông nữa, ông đừng đi đón đường tôi nhé”.
Anh thấy hai mái đầu già chụm vào nhau, bốn bàn tay già vò cuốn xoa xít tha thiết nhau một lúc bà già đó đứng lên bỏ đi. Ghế đá chỉ còn ông già ngồi như pho tượng đã một mình ở đó từ lâu, như trước đó chưa hề có ai ngồi bên. Như trước đó chưa hề có hoa hồng. Anh bỗng thấy vai ông già đó giật giật nhẹ, anh tưởng ông cụ khóc, nhìn kỹ mới thấy ông cụ không khóc, ông đang xé vụn mấy tờ tiền giấy. Ông cụ xé bỏ bánh mì”.
Bà nói “Chuyện của anh hay thế chắc là bịa rồi, nhất là chỗ xé bánh mì. Phí chết. Hoa hồng đi rồi vẫn còn kỷ niệm chứ anh. Em thế đấy, bao giờ không có anh em sẽ sống một mình bằng kỷ niệm đã có với anh”. Ông nói “ Tất cả rồi sẽ qua đi em ạ, em lãng mạn đấy em có biết không ?” Bà nói “Không” phồng to hai má môi ngậm điệu như các nữ sinh. Bà nói tiếp “Má em mới là lãng mạn để yên để em kể anh nghe.
Mấy chị em em lúc đó đã trưởng thành, nhưng chưa ai yêu. Má em có bồ. Ba em buồn lắm, ông cố lơ đi vì ông yêu má, ông sợ mất má. Một thời gian sau má cương quyết đòi ly dị. Ba em rất đau khổ nhưng ông vẫn ký đơn li dị má. Má em kết hôn với ông bồ đó thành ông chồng sau của má, hai người ở với nhau được khoảng bốn năm, chưa đến năm năm thì ông chồng sau của má được con cái ở Mỹ bảo lãnh cho đi định cư ở Mỹ theo chương trình đoàn tụ gia đình. Ông ấy đã đi và bỏ má ở lại. Má em sống độc thân.
Không biết từ đâu nhà ba em biết hết, những ngày đó ba rất mong má trở về. Chúng em ghét má, khi ba và má ly hôn tất cả chúng em đều nói với tòa chúng em ở với ba. Một lần em trông ba trong bệnh viện quân y, ngày xưa ba em là trung tá trong quân đội nhân dân Việt Nam, ba buồn lắm nhiều đêm không thể nào ngủ được không phải vì bệnh, mà vì nhớ má em. Lần đó bên giường bệnh ba bảo em “Con đi gọi má về cho ba, ba buồn lắm” ngày đó em hiểu tình yêu rất ngây ngô, em đã nói với ba “Con không gọi má về đâu, má không xứng đáng, ba đừng buồn đã có chị em con bên ba”. Em nhìn thấy rõ nước mắt lăn trên gò má của ba mà em vẫn không hiểu trái tim yêu đương của ba.
Em ân hận đã không đi gọi má về với ba về với chúng em. Muộn rồi. Em ân hận cả những lần em đến tận chỗ má ở với người chồng sau và chửi bới ông ta thậm tệ. Bây giờ con anh và con em có làm gì sừng cồ gây gổ sỉ nhục em, em cũng không giận vì tất cả là lỗi của em từ ngày xưa rồi. Cứ có anh ở bên như thế này là trời thương nhiều lắm rồi, em không dám đòi hỏi gì hơn”.
Ông nói “Chuyện của em còn hay hơn chuyện của anh, nhưng còn hay hơn nữa là em đã kể chuyện này cho anh nghe đến bốn lần rồi mà không nhớ. Em hay quên, hay kể đi kể lại mãi một chuyện thật đáng yêu…ha…ha…ha”. Bà nói “Anh lại chế riễu em rồi, thì em biết anh còn minh mẫn và phong độ mà”. Ông nói “Em làm anh lo lắng khi nghĩ đến lúc chúng mình già yếu hơn thế này lại phải về với những đứa con bất hiếu ích kỷ buộc chúng nó phải chăm sóc, chúng nó sẽ vừa chăm vừa chửi như té nước vào mặt. Anh chẳng có tý hy vọng nào vào đức hiếu nghĩa với đấng sinh thành của hai đứa con anh”. Bà nói “Em cũng tính tới lúc đó rồi. Lúc đó anh bán ngôi nhà vườn này đi, anh và em sẽ vào viện dưỡng lão. Số em cũng không được con cái báo hiếu đâu”. Ông nói “Chắc phải thế rồi, em tính vừa nhanh vừa chuẩn làm anh lại nhớ khi anh mới lớn ở tầm thanh niên choai choai bố anh đã bảo anh rằng đàn bà tính nhẩm nhanh hơn đàn ông”.
Bà hứ một tiếng khe khẽ trong cổ, bà và ông cùng cười rồi họ nhẹ nhàng ôm vai nhau chưa tới ba mươi giây. Ông bà đợi trời Đà lạt tối hẳn để cùng đi nằm. Ông đã tắt điện thoại cầm tay.
Hai người nằm duỗi thẳng chân, chiếc chăn mỏng đắp chung kéo cao ngang ngực. Trong chăn là tay trong tay, họ không còn sức ham muốn như tình yêu của tuổi trẻ nhưng họ cũng như tuổi trẻ không thể thiếu tình yêu, cho dù tình yêu đó tồn tại trong bấp bênh.

* * *

Lời cuối.
Tuy rằng “Đà lạt già” là truyện ngắn hoàn toàn hư cấu, không hề có thật nhưng tác giả vẫn chân thành xin lỗi bạn đọc nào chạnh lòng vì truyện này giống như cuộc đời của bạn ./.




18/12/2008

Cư xá Bắc hải P15 Q10, TpHCM.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét