Chủ Nhật, 4 tháng 10, 2009




một bác sĩ người pháp đang học vẽ (lơp vẽ H6 đường Bạch mã cư xá Bắc hải)
Z
một số trò đậu khóa 2007

Thứ Bảy, 3 tháng 10, 2009

Hình ảo giác những chấm đen không có thật
nhẩy nhót khi  nhìn  đuổi theo  .
Nếu định tâm chỉ nhìn vào một chấm trắng 
sẽ không tấy xuất hiện chấm đen.


Thứ Sáu, 2 tháng 10, 2009

HINH AO GIAC

Những  vòng tròn đồng tâm được thể hiện để tạo cảm thụ soáy ốc.
khiểm tra bằng cách di chuột từ từ trên một đuuờng , sễ thấy chuột trở về 
đúng vị trí xuất phát.




Thứ Năm, 1 tháng 10, 2009

NIỀM NHỚ QUÊ NHẢ

THỢ HỒ NGHỈ ỐM

(truyện ngắn của HồngHoang-HồngHưng)

Tặng Uyn yêu dấu

Sách báo văn chương thường tả kỹ và rạch ròi thời tiết nơi này khác nơi kia, ngày nay khác ngày qua. Các cô thông báo thời tiết trên ti vi trông đẹp thế, cô nào cũng ngực nở mông to, chân dài váy ngắn, làm cho đám thợ hồ kiếm ăn xa nhà khi nhìn thấy dễ bị sóng lòng day dứt phân tâm chẳng thể tập trung chú ý được nơi nào khác nơi nào bao nhiêu độ.

Tuy vậy chúng tôi vẫn để ý xem quê mình ngày mai mưa hay nắng, có giông gió lụt lội gì không. Tất cả chúng tôi đều nhớ nhà.

Đàn ông quê tôi biết cất váy áo vợ trước khi trời đổ cơn mưa và thuộc lòng câu ca "Mắng vợ thì mắng sớm mai. Mắng vợ buổi tối lấy ai mà nằm". Đàn bà quê tôi biết làm đúng lời mẹ dặn từ thời con gái: "Không được gây chuyện với chồng vào giờ gà lên chuồng", tránh xích mích về đêm.

Gái làng tôi thắm tình và chung thủy nổi tiếng từ xưa, nhưng thường lấy chồng sớm. Cứ khoảng độ tuổi 16 -17 là đã có trầu cau ăn hỏi sẵn rồi chỉ chờ chớm 18 cưới liền, đăng ký kết hôn sau. Có đám bê cả bụng phồng lên Ủy ban xin làm đăng ký kết hôn sau cưới.

Sử làng lưu truyền nước giếng làng làm con gái sớm dậy thì, làm đàn bà mắn đẻ. Còn đàn ông con trai cần cù và dai sức hơn hẳn đàn ông con trai làng khác. Tuy vậy các cụ bà vẫn thọ lâu hơn. Thiên sử miệng của làng còn kể ngày xửa ngày xưa khi đất làng quá rộng dân làng quá thưa; có một thầy phong thủy giang hồ qua làng, ông thương làng neo người đã cắm huyệt đào giếng làng vào đúng chỗ rốn Cô Tiên, nên gái làng dáng cao thon thả. Không thắt đáy lưng ong cũng mình trắm cẳng giang. Cô nào cũng da trắng mịn màng, mắt sáng môi thắm cười tươi như hoa. Được vậy đều là nhờ vào nước giếng rốn tiên cả.

Làng tôi êm đềm hạnh phúc như câu hát: "... Làng tôi sau lũy tre mờ xa... bình yên những nếp nhà...".

Tôi yêu cái giếng trong mát của làng tôi, yêu cái đình cái cổng, yêu những con đường ngõ xóm với biết bao những bờ ao bụi cỏ thân quen.

Vì sao khi ốm đau mới thấy rõ cái nhớ mạch lạc rành rọt thế nhỉ? Uyn ơi!

Đời thợ hồ tha phương, chỉ khi nào hết việc hay ốm nằm bẹp nhà trọ mới thấy được tác động của mưa nắng vào người. Tôi là anh thợ hồ đang ốm nằm bẹp nhà trọ đây. Sốt hầm hập là mất tiêu ngày công và tốn tiền thuốc nữa rồi. Chiều qua tôi chưa ốm, đứng trên giàn giáo cốp pha của tấm sàn lầu bốn, chúng tôi đang chuẩn bị cho việc đổ bê tông. Ngôi nhà đó ở gần ga Hòa Hưng nên tiếng còi tàu rất rõ, đứng trên cao nghe còn rõ hơn. Thỉnh thoảng tôi vẫn đọc thấy tiếng còi tàu hỏa được viết ra là: "Tu... tu...". Nếu tả con tàu lăn bánh còn có thêm mấy chữ: "Xình... xịch..." (Tôi thật không biết là chữ của tay nhà văn nào). Vậy mà cái tai tôi nghe thế nào cũng chỉ ra là: "Uyn... Uyn..." không hề Tu... tu. Chắc tại tôi nhớ Uyn. Không biết lúc này em đang làm gì? Trời Bắc quê mình tháng này lạnh nhiều hơn chưa? Tiếng còi tàu lại kêu to như chính tôi đang gọi tên em ra tới tận ngoài đó.

Mãi sau tôi mới nghĩ ra được tàu hỏa đầu máy hơi nước có còi hơi nước kêu: "Tu...tu...". Còn tàu hỏa đầu máy diezen có còi kêu như gọi tên người tôi yêu tha thiết "Uyn...uyn...".

Uyn và tôi cùng thi trượt đại học, cùng ở xóm Hàng Chiếu, những khi việc nông nhàn tôi thường sang nhà Uyn giúp mẹ Hai của Uyn gấp túi giấy. Mẹ đẻ của em mất sớm, hơn một năm sau bố em đưa về một người đàn bà cùng chung mái ấm với bố con em. Bà chính là mẹ Hai bây giờ.

Bố Uyn cũng không còn nữa. Ông qua đời để lại cô con gái duy nhất sống với người vợ hai của ông. Cảnh sống éo le đã làm cho nét mặt của Uyn không được tươi vui dễ chịu. Đó là vẻ đăm đăm "khó đăm đăm" và vẻ trơ lỳ "vô cảm trơ lỳ". Thế nên khi mhìn kỹ vào mắt Uyn, tôi cũng không đoán nổi liệu em có biết tôi yêu em lắm rồi không! Yêu em từ đận lớp 10. Dù vẻ mặt em lỳ lỳ đăm đăm nhưng tôi cũng đã thấy có lần em cười tươi sáng rạng rỡ dễ vui lây. Nhưng sao em quá hiếm cười tới mức xem như bằng không. Tôi đã phải lòng em và đang nín chờ cơ hội tỏ tình. Mỗi ngày không thấy em một lần là tôi bứt rứt bồn chồn, làm gì cũng không yên.

Y

Chiếc khăn ướt đắp trên trán để hạ nhiệt đã khô từ lâu, tôi bỏ qua một bên, quay đầu nhìn thấy một tờ báo dán trên vách tường của nhà trọ có mấy chữ màu xanh lá mạ: "Mùa thu - mùa yêu anh". Thì ra là tên của một bài thơ. Đang trong tâm trạng nhớ tình, tôi thấy tựa đề này thật hay, thật nhiều tình yêu và thi hứng mà nhẹ nhàng âu yếm biết bao. Chán là khi đọc mấy dòng trong bài thơ thấy toàn ghép vần vè những câu về thời tiết với vài kể lễ. Có mỗi một câu như văn nói mà rất thơ: "15 năm là mấy..." thật đúng là được yêu và biết yêu ở cả câu thơ ngắn ấy. Hay là vì tôi được Uyn yêu và biết là Uyn biết yêu và Uyn biết là tôi biết yêu Uyn? Ôi... thơ khó thế.

Uyn yêu dấu lỳ lỳ đăm đăm vậy mà cũng làm thơ. Tôi xem trộm được, thơ của em cục cộc lắm. Đọc lên nghe vừa đau vừa sướng vừa tức cười, đám thợ xa nhà thích lắm, vì thợ ở nhà với vợ rồi thì không cần thơ nữa. Lúc bấy giờ Uyn cũng đã biết tôi yêu em, lòng em cũng đã yêu tôi lắm mà vẫn tảng lờ như không được, sao em nhịn giỏi thế nhỉ?

Nhớ bữa khi tôi cùng em gấp túi giấy xi măng cho mẹ Hai, đương tự nhiên em đứng lên đi về phía bể nước mưa chỗ hồi nhà. Tôi hồi hộp ngay tức thì, tim đập thịnh thịch cái một. Tôi lường khoảng cách cự ly để chạy theo em ra bể nước, chỗ khuất ấy. Tôi lấy đà...

Vừa đi tới gần bể nước lại thấy em chạy vụt lên nhà trên với tiếng "Dạ" rất to. Tôi chưng hửng, bước chân loanh quanh, rồi trở về chỗ cũ bần thần ngồi gấp túi giấy.

Em né tránh tôi chăng? Dường như nỗi khổ loáng qua trong tim. Phải chờ dịp khác.

Dịp khác đến vào khoảng gần một tháng sau. Một lần gần giống lần trước, chỉ khác hướng chạy của em lần này là nhà bếp. Bếp còn kín khuất hơn cả phía sau bể nước. Tim tôi lại đập mạnh. Ngó quanh không thấy mẹ Hai đâu, tôi băng theo em vào bếp. Em đứng sững ngay giữa bếp với nét mặt hơi dữ dằn quát khẽ: "Anh vào đây làm gì?". Tôi chột dạ rồi nói như đứt hơi: "Anh...anh... định... anh định...". Tôi thấy mình đang run nhưng vẫn tiến vào cầm tay em nói: "Anh yêu em lâu rồi". Em đứng lặng im, tôi liền áp người tôi vịn sát người em hơn nữa. Bỗng thấy tay em siết chặt tay tôi rồi bung nhanh ôm choàng lấy tôi, em thốt lên: "Thằng chó sao bây giờ mới nói". Tôi thấy người em cũng run run. Tôi không biết em mong chờ phút này đến thế, tôi thật đáng được mắng hơn nữa. Ví dầu tôi ngỏ lời sớm hơn chắc gì thấu được lòng em yêu và chờ đợi tình yêu đến cháy ruột "ác chiến" như thế.

Hạnh phúc đến giản dị. toàn thân tôi trong ngoài cùng cười sung sướng. Cười từ trong máu, trong thịt trong gân, trong mỗi tế bào. Chúng tôi thôn quê ôm nhiều nói ít. Em im lặng tôi im lặng, cả hai cùng run run ấm áp. Nước mắt em đã nhỏ xuống vai tôi.

Bỗng đâu có tiếng quát: "Hai đứa ra ngay". Mẹ Hai xuất hiện bất ngờ. Thì ra bà biết hết và đã canh chừng chúng tôi từ lâu. Lần tôi theo hụt em ở bể nước không qua được mắt mẹ Hai. Lần ấy bà nóng vội đã quát gọi con chồng hơi sớm. Thế mà tôi chẳng nghe thấy gì, chỉ mình em nghe thấy tiếng mẹ Hai gọi giật. Lần này mẹ Hai rút kinh nghiệm, bà đã để im xem sao, "tia" chúng tôi chạy theo nhau vào bếp bà đã để cho hai đứa ôm nhau lâu, đủ để không chối cãi vào đâu được.

Liền sau đó bà quát tiếp: "Hai đứa lên nhà ngay tao bảo".

Đời mẹ Hai có quá khứ còn buồn tủi hơn Uyn. Mẹ biết cách để hết buồn tủi cho quá khứ. Chỉ còn cáu bẳn và vui giận thất thường ở lại hẳn trong tính nết của mẹ. Nhiều khi chuyện nhỏ nhoi mà quát tháo ầm ĩ, rồi oà khóc như nhà có đám tang. Mặc dù lòng dạ mẹ Hai không nghĩ hại cho ai bao giờ nhưng với cái mồm ông ổng thái quá, lại thuộc lòng nhiều câu chửi vần độc địa tới mức nếu không hiểu nhầm bà thì cũng khó ai ưa được. Chắc cũng vì thế khi ở lâu với bà Uyn chỉ còn lại hai vẻ mặt thiếu vắng thân thiện.

Hai chúng tôi theo bà lên nhà trên, bà chỉ vào chiếc ghế gỗ dài: "Anh chị ngồi bên kia". Còn bà ngồi đối diện chúng tôi, ở giữa là bàn trà nước kê trước bàn thờ có để tấm ảnh của bố Uyn. Một tấm ảnh phóng to từ ảnh chứng minh thư, thật khó đẹp. Mẹ Hai lườm chúng tôi đầy dụng ý, bà nói: "Thắp hương lên bàn thờ đi rồi tao nói chuyện". Chúng tôi thắp hương xong bà lại nói: "Hai đứa nghe tao hỏi! Chúng mày có thật thương nhau không? Có lấy nhau thành vợ chồng không? Hay nước "rốn cô tiên" làm chúng mày rực không chịu được"?

Bà mẹ Hai này thật quá quắt vừa "anh chị" vừa "hai đứa" lại vừa "Tao -tôi". Xưng hô lộn xộn chẳng coi chúng tôi ra gì. Nhưng nghe thấy câu "có lấy nhau thành vợ thành chồng không" trong lòng mừng lắm, mắt tôi tìm mắt Uyn dò ý, thấy ánh mắt em cười, tôi vui hơn cả lúc ôm được em trong bếp, tôi trả lời mẹ Hai độc một tiếng "Có". Bà quát liền: "Có là có thế nào? Tao hỏi có lấy nhau hay có dửng mỡ? Nói cho rõ ràng!".

- Thưa mẹ Hai, con có lấy Uyn làm vợ, con yêu Uyn lắm, yêu không chịu được.

- Anh nói thật lòng không?

- Dạ, thật!

- Có thật thật không? Đàn ông các người hay kêu không chịu được lắm.

Tôi nói lại rõ với mẹ Hai:

- Thưa mẹ, con yêu Uyn thật.

- Được, nếu đồng lòng thì cả hai thề trước bàn thờ và khấn xin bố con Uyn đi.

Thấy Uyn có vẻ lừng khừng bà quát to: "Chị kia có thề có khấn xin bố chị không, hay chỉ thích ôm nhau trong bếp?". Uyn không trả lời mẹ Hai. Tôi và em lặng lẽ ra trước bàn thờ, cùng thề yêu nhau cho đến cuối cuộc đời và xin cho kiếp nàyđược làm vợ chồng của nhau. Trong lúc nghiêm trang hệ trọng như vậy tôi không ngờ em bấm đầu ngón chân nháy nháy vào chân tôi. Em nháy nháy kều kều đầu ngón chân có nhịp điệu lúc nhanh lúc chậm hồi hộp như nhạc phim (chiêu này của em xuất thần mẹ Hai không hề biết). Thì ra trong máu em chảy xen lẫn cả hóm hỉnh vui đùa, tôi thích lắm, mấy ngón chân của em làm tôi đờ đẫn hết cả người.

Mẹ Hai có vẻ sốt ruột: "Thề gì lâu thế...? Xong chưa?". Chúng tôi cùng nói "xong rồi" và trở lại chỗ ngồi như cũ chờ xem mẹ Hai có thuyết giảng gì không.

Mẹ Hai thuyết giảng: "Anh biết rồi, tôi với con Uyn là người dưng nước lã khác máu tanh lòng (bà lại ác khẩu). Đời nó ra sao là nhờ hết vào duyên phận. Bây giờ thề với nhau rồi duyên phận của nó là anh (Bà bỗng mất giọng, nói chen lẫn tiếng khóc) về bảo bu anh kiếm cơi trầu sang nói chuyện với tôi".

Tôi nghe mẹ Hai nói trong mếu máo mà như nghe mệnh lệnh của hạnh phúc.

Y

Cả tôi và Uyn đều không còn cha, nhưng tôi còn mẹ đẻ. Uyn không được tình mẹ con đùm bọc thương yêu nhiều bằng tôi. Cưới được em về, hai mẹ con tôi sẽ bù đắp những thiệt thòi cho em. Tôi sẽ làm em có chửa, và khi sinh em bé tình cảm ruột thịt của chính em sẽ giúp em cảm thông cho tính ác khẩu của mẹ Hai tốt bụng.

Quân lệnh như sơn, mẹ tôi mang cơi trầu sang dạm ngõ nhà Uyn, chẳng rõ hai bà nói những gì mà đoạn cuối cứ vịn vai nhau khóc suốt.

Về nhà mẹ tôi bảo: "Cuối năm sau chúng mày cưới. Cưới xong ở luân phiên mỗi nhà một tháng, không ở dâu ở rể gì đâu, hai chúng tao chỉ còn mỗi hai chúng mày".

Một phần tương lai hạnh phúc của chúng tôi được hai bà mẹ quy hoạch rồi. Chỉ còn lo thực hiện. Tôi nghĩ cách kiếm tiền thêm, nếu chỉ trông vào ruộng đồng thì gay to. Thời xửa thời xưa làng tôi hơn đôi chục nóc nhà, ruộng đồng bát ngát bỏ hoang không có người có sức mà làm. Thời bây giờ đây đất chật người đông, ruộng làng chia theo "khẩu" mỗi "khẩu" tính ra chưa đến 150 mét vuông ruộng, cày cấy làm sao cho đủ ăn.

Tôi theo cậu Phúc vào Nam làm thợ hồ, bây giờ ốm nằm đây nhìn thấy câu thơ: "...15 năm là mấy..." mà xao xuyến. Nhưng sao lại là mấy? Chả là bằng quãng đời lưu lạc thăng trầm của một cô gái Trung Hoa cứ lừng danh mãi trên đất Việt "Vương Thúy Kiều" đó thôi. Còn tôi và Uyn sẽ phải già đi 15 tuổi chứ? Chắc chúng tôi sẽ vẫn yêu nhau như lúc chưa già cho dù sức khỏe có kém đi. Hôm chia tay Uyn ở chỗ bể nước, chúng tôi ôm nhau lưu luyến. Vẫn là ôm nhiều nói ít. Em thì thào vào tai tôi một câu cổ điển: "Anh đi chân cứng đá mềm!". Tôi nghe vầy vậy thôi lòng dạ còn đang lâng lâng vì ôm ấp em. Đúng là tôi đang ôm hạnh phúc trong tay. Đến chiều hôm đó tôi và cậu Phúc đi bộ ra ga. Từ ấy tôi có ba người đàn bà mong chờ: Hai bà mẹ góa và Em.

Ốm đau thật xui xẻo. Chiều qua tôi chưa kịp ốm, khi đang làm cốp pha tôi nghe tiếng còi tàu kêu Uyn... Uyn, tự nhiên buột miệng nói: "Anh chưa về đâu". Cậu Phúc quay sang hỏi cái gì? Tôi nói: "Không".

- Tao vừa nghe mày nói lí nhí gì mà?

- Không đâu cậu. Cháu nói với cái tàu hỏa ấy mà.

- Tao nghe mày nói: "Anh chưa về đâu"

- Vâng cháu bảo cái tàu.

- Mày hâm rồi, nhớ lắm phải không, con Uyn bỏ bùa mày rồi.

- Vâng!

- Ơ cái thằng bị người dưng cho ăn bùa gì mà đứng trên nóc nhà lầu bốn nói chuyện với tàu hỏa?

Cả tốp thợ cười ồ, tôi cũng cười và thầm nghĩ: "Uyn ơi anh thích được em bỏ bùa, cứ bỏ bùa mãi cho anh nhé, tàu hỏa ra Bắc đấy anh nhắn cho em rồi ".

Trong đám thợ hồ có tiếng hò: "Hò ơ ơ... Con cò nó mổ con trai, con trai khép lại mà nhai... ớ... ơ... con cò".

Đám thợ cười rống lên, có người cố ý hỏi tôi: "Thằng em chắc được hưởng cái bùa "trai" nhai "cò" rồi phải không?

Tôi hiểu ra câu hò của thợ rồi. Chúng tôi chưa như thế, dưới kia lại có còi tàu kêu Uyn... Uyn. Bỗng cậu Phúc đứng lên lấy tay bắc loa miệng hướng về con tàu gào rất to: "Anh chưa về đâu" - cậu quay sang tôi: "Phải thế thì tàu hỏa nó mới nghe thấy" - Cậu Phúc cười.

Thì ra không riêng gì tôi nhớ quê, chắc cũng không riêng gì cậu Phúc nhớ quê.

Bên tai tôi còn câu tình yêu trong bếp của Uyn: "Thằng chó sao bây giờ mới nói". Tôi hít một hơi thật sâu vào lồng ngựêc như còn đây mùi áo quê phơi nắng vai em.

Tôi đỡ nhiều rồi, ngày mai tôi lại đi làm.

Ga Hòa hưng, Thành phố

Hồ Chí Minh, Ngày 4-3-2006.HgHg-HgHg

(Báo Văn Nghệ số 13-1/4/2006)

KỶ NIỆM THỜI ẤU THƠ HÀNỘI

TRUYÊN HOA MUỐNG

(truyện ngắn của HồngHoang-HồngHưng)

Bà mất đã lâu rồi, chẳng còn ai chơi với tôi. Chỉ còn con mèo, nhưng tuần trước nó đã bỏ đi. Nếu nó không bỏ đi thì tôi vẫn còn nó để bầu bạn, để túm đuôi, kéo tai, dứ dứ cái cán xoong bằng gỗ có buộc dây, giả làm con chuột cho nó tập vồ.

Từ hồi bà đi rồi (người lớn gọi chết là: đi) tôi học hành một mình. Bố và mẹ mải mê việc cơ quan, chẳng mấy khi xem bài vở của tôi.

Bố đi làm cả ngày, đến tối mịt mới về. Mẹ làm ca sáng đến trưa mới về. Tôi đi học thường về trước mẹ một tiếng. Hôm nào mải chơi hay trời mưa tôi về chậm hơn mẹ.

Ngày trước (khi bà còn sống) những ngày mưa bà vẫn đi đón tôi. Bây giờ tôi về một mình, với cái chìa khóa đeo lủng lẳng ở cổ. Chính tay mẹ buộc dây và đeo vào cổ cho tôi. Mẹ nói: "Chỉ có đeo ở cổ mới chắc".

Mẹ tôi rất bận, nên những hôm tôi về chậm mẹ cũng chẳng còn hơi đâu mà mắng tôi. Thường thì hễ cứ nhìn thấy tôi thể nào mẹ cũng sai bảo cái gì đấy, rồi giục:

- Nhanh nhanh đi chứ... ơ kìa ông Từ!

Tên tôi không phải là Từ nhưng cả nhà vẫn gọi tôi là ông Từ. Vì lúc nào tôi cũng từ từ thôi.

Có lần mẹ tôi về muộn và quên mua rau. Mẹ gọi tôi:

- "Ông Từ" ơi đi mua rau cho mẹ.

- Vâng.

- Mua rau muống nhé.

- Vâng.

- Tiền đây, mua một mớ thôi, bảo cô bán rau chọn cho nhé.

- Vâng.

Tôi đi ra chợ. Chợ cách nhà một quãng phố và một ngã tư. Lượn mãi qua lại các hàng rau, rồi tôi cũng mua được một mớ.

Tôi quên lời mẹ dặn, chẳng vội vàng gì lững thững đi về.

Tôi thích nhìn ngắm mọi thứ, nhìn cây, nhìn nắng, nhìn gió thổi những chiếc lá "cơm nguội" vàng, lăn nghiên, đuổi nhau xa tít.

Tay đung đưa mớ rau, tôi ngước lên nhìn những vòm cây cao cao. Hai hàng cây ở phố bao giờ cũng vươn sang nhau, như che chở cho người ở dưới. Nhiều khi tôi nghĩ: Hay là những hàng cây thích chơi với nhau, thích nói chuyện với nhau, chúng vươn sang nhau để quện lá rì rào...

Tôi vẫn cầm mớ rau, vừa đi vừa lắng tai nghe tiếng lá rì rào. Tới nhà lúc nào không biết. Mẹ tôi chờ ngay ở cửa:

- Sao con mua rau này?

- Con tìm khắp chợ chỉ có rau này đẹp nhất.

- Trời ơi là trời (mẹ tôi phì cười) con tôi mua rau muống có hoa.

Mẹ cười tôi ngốc nghếch, rồi quên rau muống già có hoa đi.

Y

Chỉ còn tôi ngắt những bông hoa rau muống màu tím nhạt, hình loa kèn ngồi chơi một mình.

Tôi nhớ bà quá, cả con mèo nữa. Tôi vừa nhớ vừa lồng những loa kèn nhỏ bé khít vào nhau.

Ngày 20-11-1993

Hg.Hg-Hg.Hg

TẢN VĂN

CÁI ĐẸP KHÔNG CHỐNG LẠI NHAU

Điêu khăc gia Nguyễn hồng Hưng

Ở thời đương đại, trên những ấn phẩm và các chương trình truyền hình, thỉnh thoảng chúng ta vẫn thấy những hình vẽ của người nguyên thủy trên vách hang động. Những hình vẽ chạm khắc thô mộc, màu sắc đơn bạc phôi phai vì thời gian, nhưng rất sinh động, rất truyền cảm. Các bậc danh họa đời nay không ít người nghiên cứu, học tập và thán phục vẻ đẹp đó.

Khi người nghệ sĩ nguyên thủy sáng tạo thì cái gì đã xảy ra trong tâm tư anh ta? Cái gì thôi thúc anh ta đục khắc trên vách đá rắn câng nham nhở kia? Với đầy đủ công cụ hiện đại, nếu có khắc trên vách đá như thế chúng ta cũng thấy khó khăn nhọc nhằn. Vậy mà người nghệ sĩ vô danh thời nguyên thủy đã làm nên những kiệt tác đầy xúc động, qua hàng vài triệu năm vẫn còn đủ mạnh mẽ, sinh động như mới hoàn thành rất gần đây. Những thần thái của hội họa cổ sơ đó cũng chẳng mấy khác những họa phẩm hiện nay. Những hoạt động nghệ thuật buổi hồng hoang chắc chắn không vụ lợi, thuần túy vì cái đẹp, vì khoái cảm thẩm mỹ thôi thúc.

Vậy khoái cảm thẩm mỹ là cái gì? Nó có giống như ăn khoái, uống khoái, chơi khoái không? Chắc chắn là không rồi!

Trong sự tồn tại giữa trời đất này, chúng ta mù mờ về xuất xứ của con người, Lại mù mờ về hướng đi tới. Khi ta ra đời đã có con người rồi, khi ta qua đời con người vẫn còn tiếp tục tồn tại. Vậy ta luôn cảm giác mình ở khoảng dở dang. Có thể, nhân loại ở mọi thời luôn luôn là khúc giữa, đầu cuối không minh bạch, chỉ là phán đoán ra mà thôi. Có phải vì thế mà nhân loại hoạt động tích cực trên mọi lĩnh vực nhằm khai thác, phát triển khoái lạc, nhằm hưởng sự sung sướng nhiều hơn chăng?

Cho dù số lượng các loại khoái lạc đương đại có tăng lên tới đâu thì cũng chỉ nằm ở hai khu vực là vật chất và tinh thần.

Thiên nhiên đã ban cho chúng ta một số niềm vui bản năng mà người ta thường gọi là "tứ khoái". Chỉ riêng khoái lạc tinh thần thì khác hẳn. Để hưởng thụ được là cả một quá trình lao động nhận thức khó khăn. Về chuyện đó các triết gia hiểu rõ hơn cả. Phần lớn họ thường tự hào về sự cao quý ấy so với người lao động chân tay.

Nhưng thiên nhiên vĩ đại cũng có chỗ công bằng, đã làm cho người lao động bình thường đến các bậc quyền uy học giả đều cảm nhận được vẻ đẹp của một bông hoa. Tuy rằng cao thấp có khác nhau, nhưng tất cả đều đã hài lòng.

Thế vậy cái gì đã xảy ra? Cái gì đã làm cho những người rất khác nhau đó đều hài lòng như vậy? Đó là mỹ cảm về cái đẹp.

Hỡi chàng nghệ sĩ nguyên thủy, chỉ vì mỹ cảm quá mạnh trong lòng mà anh bỏ cả săn bắn, hái lượm, đi làm tác phẩm. Thế hệ các anh chẳng còn một ai, vậy mà tinh thần các anh, cảm xúc của các anh đã tồn tại như còn tươi nguyên trên vách hang động. Cảm ơn những bậc thầy nguyên thủy đã truyền lại thuần túy mỹ cảm nghệ thuật, không hề dính dấp với tư tưởng nào, tôn giáo nào.

Mãi sau vài triệu năm có người đã nói: "Tôi tư duy-nghĩa là tôi tồn tại". Vậy khi làm cái việc chuyển dịch mỹ cảm ở "thế động" trong tâm tư thành "thế tĩnh" trên vách đá vật chất kia, các anh có tư duy không?

Là một đồng nghiệp hậu sinh tôi rất muốn thay các anh trả lời "có". Nhưng chúng ta tư duy với cây cọ, với lao động nghệ thuật. Toàn bộ đời sống tinh thần của chúng ta đã đóng khung trên tác phẩm. Như vậy, phải có một cái nền vật chất làm chỗ đứng cho mỹ cảm lan truyền mạnh mẽ và trọn vẹn hơn.

Về đời sống vật chất (những nhu cầu về thể xác của con người), ai ăn người đó no, ai uống người đó hết khát. Còn về nghệ thuật, khi chúng ta thể hiện đẹp, chúng ta khoan khoái và những người khác thưởng thức cũng cảm thấy thú vị. Đó là nhờ ở sự lan tỏa tất yếu của cái đẹp. Cái đẹp không phải là một đặc quyền, nó không dành cho riêng ai. Cái đẹp là sự lan truyền thanh cao của tinh thần thẩm mỹ cho cả những người bình dân và bác học.

Tất cả các tôn giáo, các trường phái triết học, các đế chế đều phải nhờ tới cái đẹp để tô điểm và nâng cao uy quyền. Người nghệ sĩ chúng ta đã phục vụ tận lực và tôn vinh tất cả. Nhưng, than ôi! tôn giáo đã tiến hành chiến tranh với tôn giáo, tư tưởng đã chiến đấu với tư tưởng và tiêu diệt lẫn nhau. Duy chỉ có cái đẹp không chống lại cái đẹp mà thôi.

GA NGHỆ AN 7-7-2007

HG.HG

TRUYỆN MÓNG TAY

TRUYÊN MÓNG TAY (truyện ngắn của HồngHoang-HồngHưng)

Cô gái sắp lấy chồng, càng gần ngày cưới cô càng vui như hội, cô hớn hở vô tư.

Không chừng mùa thu năm nay sẽ giống như tính nết của cô: vui như mùa xuân, nóng như mùa hè.

Không chừng lễ cưới chú rể không mặc được comlê, còn cô dâu vã mồ hôi hột trong bộ váy áo lòe xòe.

Y

Bố mẹ cô nuôi một bà cô. Bà cả ngày chỉ ở bếp, rất sợ lên nhà trên, rất sợ gặp khách đàn ông. Thế mà bây giờ hễ thấy bóng ông cháu rể tương lai kéo bạn sang chơi, là bà ra khỏi bếp, lên nhà trên ngồi như công an canh chừng kẻ cướp.

Bà hay quát toáng lên khi thấy trai gái đông đúc, cười đùa quá to lẫn với tiếng đét, tiếng đập lưng thùm thụp. Bà lại cố quát to hơn: "Xéo đi, lũ nặc nô".

Tất cả bọn trẻ càng cười to hơn. Còn bà lúc đó có nét mặt xa xôi... đăm chiêu. Bà thương cô cháu gái có tính tình vui như mùa xuân, nóng như mùa hè.

Y

Chẳng ai để ý sự cau cảu của một bà cô trái nết. Khi ra về bọn trẻ còn đứng nghiêm trước mặt bà đồng thanh: "Chào thiếu tá", cô cháu gái còn quát thêm: "Bà xuống bếp đi". Bà chửi cô cháu: "Tiên sư mày chửa khỏi vòng đã cong đuôi".

Mẹ của cô ra bênh con: "Bà kệ chúng nó. Bà ít nhời thôi. Bà xuống bếp đi".

Đôi mắt già cụp xuống nhẫn nhục, cái nhẫn nhục của người cô đơn sống nhờ lòng nhân nghĩa. Bà lủi thủi xuống bếp.

Ngồi thu lu trong xó bếp. Bà nhớ lại quãng đời xưa: Năm ấy cũng vào độ tuổi cô cháu, chỉ còn mươi ngày nữa nhà trai làm đám cưới đón bà về. "Nhưng không bao giờ, không bao giờ, không bao giờ...".

Bà ngồi thu lu xó bếp mắt đăm đăm nhìn những hạt bụi bay hỗn độn trong tia nắng quái xiên từ cửa sau. Bà lẩm nhẩm nói một mình "Không bao giờ, không bao giờ" như một người nhai trầu.

Lần cuối bên nhà anh ấy (bây giờ phải gọi là ông) chỉ cách hôm cưới mười ngày. Hôm ấy nhà ông đông khách. Bạn của ông toàn người trong chi đoàn bà phụ trách. Tất cả thật vui nhộn, thật thân tình, có người cười gọi bà:

"Bí thơ ơi cho chúng tớ ăn kẹo đi thôi".

"Kẹo bí thơ ngon lắm".

Nghe thấy thế ông vào buồng trong lấy kẹo ra, giơ gói kẹo lên cao. Mọi người ồ lên vui thích, vài ba cánh tay vươn lên giựt gói kẹo. Ông lấy thêm kẹo, thêm bánh qui để lên chiếc quạt nan giữa phản.

Nhìn mọi người bóc kẹo bà vui phơi phới gần như là hạnh phúc. Bà chợt thấy một bạn thân của ông đang dùng những móng tay cáu ghét, đen bẩn bóc kẹo. Bất giác bà cầm bàn tay đó xoay úp xuống rồi nói: "Đoàn viên gì mà tay bẩn thế này, móng tay dài quá".

Có người đưa ra chiếc bấm móng tay:

"Để bí thư cắt móng tay cho, sướng nhé".

Y

Cuộc vui đã đến lúc kết thúc. Kẹo và bánh đã hết sạch, những cái móng tay bẩn cũng đã được cắt đi. Tất cả sự vô tư của bà là của người trinh nữ đang tràn trề hy vọng hạnh phúc.

Còn qua song cửa của gian buồng bên, hai người chị chồng tương lai và mẹ chồng tương lai của bà đã cau mặt lại, khi thấy bà bấm móng tay cho bạn thân của ông.

Thế mà... bà đã ra về với bước chân thanh thoát và hát vang: "Rừng cây xanh lá...".

Ngày đó lâu lắm rồi. Ngày đó vui quá. Bây giờ bà hát khác, không phải hát, mà bà lẩm bẩm: "Không bao giờ - không bao giờ" giống như một người nhai trầu. Nhưng chừng như bà đang nhai thật kỹ từng câu: "Không bao giờ - không bao giờ - không bao giờ - không bao giờ".

Y

Cùng đêm hôm ấy, bà mẹ chồng tương lai kiến nghị với bố chồng tương lai:

- Tôi không cho nó lấy con ấy nữa.

- Bà sao thế?

- Nó sắp cưới đến nơi rồi mà còn cầm tay, bấm móng tay cho thằng khác.

- Ai bảo bà thế?

- Còn phải ai bảo, tôi và cả hai con lớn nhà ông chứng kiến tận mắt, quả tang từ đầu đến cuối (cụ bà thở dài nhích lại gần chồng...). Ôi, nó cứ cầm mãi tay thằng ấy.

- Thế là thế nào?

- Chả thế nào cả, đấy là tướng "tiện dâm", chưa cưới đã thế, cưới rồi thì con trai ông mọc sừng như Tuần - Lộc.

- Hừm... như Tuần - Lộc thì hơi nhiều quá (cụ ông có vẻ cáu, còn bà cụ bất giác cầm tay ông cụ).

Y

Thật đáng tiếc vì hồi ấy ông là người con quá "hiếu", vì bà là cô gái vô tư. Chỉ tội nghiệp bà khi bị đánh tiếng hủy hôn lễ đã xỉu xuống bất tỉnh hai ngày. Sau hồi phục lại bà biết hết chuyện bên nhà ông, và từ đấy mắc bệnh tim đập loạn nhịp toàn thân run lẩy bẩy mỗi khi đàn ông vô tình đứng gần.

Y

Đã bao lâu rồi? Bà đã sống qua? hay chết qua? Nỗi sỉ nhục cổ hủ bắt đầu từ cái móng tay cho đến nổi sỉ

nhục hiện đại lố lăng bây giờ của con trẻ chào bà: "Chào đại tá".

Chẳng phải vì gần đến ngày cưới của cô cháu gái mà bọn trẻ đã thăng chức cho bà lên Đại tá, mà cũng chẳng phải bọn trẻ muốn thăng chức cho nỗi buồn cười của chúng. Có lẽ chỉ vì con người đã tồn tại giữa những con người cùng cả nhiều những nhầm lẫn trong sáng của họ, và cùng cả "Truyện móng tay".

Hà Nội 7-1994

TRUYỆN ĐỒ ĐẠC

TRUYÊN ĐỒ ĐẠC

(truyện ngắn của Hồng Hoang)

Chương I

CÔ GƯƠNG TẦU

Tôi và cô ta cùng được chuyển về một ngày. Cậu chủ mua tôi từ nhà thợ mộc gia truyền ba đời ở đầu phố. Thật may cho tôi Cậu chủ không thích loại tủ liền gương, nếu không tôi đã phải bế cô gương Tầu suốt đời trên cánh tủ. Mà lại phải bế cô ở tư thế không đối mặt. Như vậy là ta gắn bó với nàng suốt đời mà nàng thì quay lưng vào ta, còn gương mặt trong sáng xinh tươi kia quay vào thiên hạ. Hai chữ "phải bế" là tâm tình bây giờ đây thôi, còn ngày đó... ngày đó trên suốt đoạn đường cậu chủ chở tôi cùng cô gương Tầu, lòng tôi biết bao hồi hộp hân hoan.

Cậu chủ là người lịch sự và dịu dàng. Đã dịu dàng kê lót một tấm chăn len mới tinh lên cánh trái tôi, dịu dàng đặt cô gương Tầu lên trên chắc chắn.

Các bạn có thể hiểu được đồ đạc trong nhà cũng có trái tim như con người không? Có đấy. Trái tim tôi lại ở đúng bên cánh tủ trái nơi cô gương Tầu đang nằm im thiêm thiếp không bộc lộ gì. Thật chán cho tôi, ngày ấy tôi còn quá nhạy cảm, tôi thấy hạnh phúc và tưởng tượng rằng: Chuyến xe sẽ đi mãi, đi mãi mãi không bao giờ dừng lại, để tôi được sung sướng đê mê trên chuyến xe mà tôi đã ngầm đặt tên là "Chuyến xe tình yêu".

Tôi đâu có biết gì sự đời. Ngay ngày hôm ấy cả hai chúng tôi đã được kê đặt đúng vị trí tối ưu của căn hộ. Cũng ngay trong ngày hôm ấy tôi không bao giờ còn được nhìn thấy cô ta nữa. Trí nhớ của tôi về cô là gương mặt lạnh lùng sáng choang. Cô không có mắt, chỉ có ánh mắt. Ánh mắt của cô sáng choang như toàn bộ gương mặt.

Tôi xin phép được giải thích các bộ phận trên cơ thể đồ đạc là không giống những bộ phận trên thân thể con người. Nhìn chung tùy thuộc vào sự tưởng tượng của các bạn. Ví như tủ "đứng" tôi đây có bốn chân ngắn tũn không đầu gối (tôi là loại tủ không có đầu mong các bạn hiểu cho. Không phải loại tủ nào cũng có đầøu) cái thân tôi là chỗ chứa đồ kín đáo quý giá của cậu chủ. Cậu đã kê tôi ngay ngắn ở buồng trong. Cô gương Tầu có bộ mặt sáng choang được kê ở buồng ngoài, nơi tiếp khách của cậu chủ.

Tôi chẳng bao giờ còn nhìn thấy cô nữa. Tôi sống trong âm thầm và thỉnh thoảng thở dài mỗi khi cậu chủ đóng mở tôi. Tôi thật si tình và ấn tượng mạnh mẽ choáng ngợp tinh thần tôi là khi người ta khiêng tôi đi qua mặt cô. Trong khoảnh khắc ngắn ngủi tôi nhìn thấy chính tôi trong lòng cô, rồi cứ đinh ninh rằng cô yêu tôi sâu sắc. Mãi về sau tôi mới hiểu cô vốn như vậy, cô yêu ngay và in hình tất cả những gì đi qua mặt cô.

Cô gương Tầu không có chỗ để chứa đựng đồ trong lòng như tôi, lòng cô chỉ phản chiếu hình ảnh thôi. Cô phản chiếu lung linh và chính xác. Hình ảnh phản chiếu ở lòng cô là ảo ảnh trái chiều với cuộc đời thực. Cô cũng tự biết như vậy. Nhưng với thể chất cứng rắn cô không thể nào thay đổi. Sự thay đổi có thể làm cô ta vỡ ra. Đó là điều độc địa không ai muốn.

Cậu chủ lấy vợ, cậu mua sắm thêm nhiều thứ. Đồ đạc ngày càng chật chội đông đúc, thật: "Phức tạp bội phần". Ngày cưới thật trang trọng, nhưng thôi đó là chuyện của con người, hãy để khi khác. Lúc này đây tôi chỉ muốn kể về cô gương Tầu, rằng cô rất hãi hùng sự chật chội, cùng những vật rắn khác va chạm vào sự trong sáng của cô. Nhưng làm sao tránh khỏi sự va chạm. Đó là nguyên lý của môn toán xác suất. Nguyên lý đó chỉ ra rằng cô gương Tầu thể nào cũng vỡ. Còn như tôi thể nào cũng mục mọt.

- Biết tương lai bi đát ta tạm thời quên ngươi đi, hãy nhìn thẳng vào thực tế. Thựêc tế bây giờ đây, cô gương Tầu có vệt nứt chéo ở góc phải, sâu tới 14cm. Nghe đâu lão Bàn là đương còn nóng muốn áp má vào lòng cô. Cô phản đối sự thô lỗ đó, cô nứt lên một tiếng thét xé lòng. Cũng từ đấy lòng cô chia làm hai mảnh. Cũng từ đấy lòng cô phản chiếu cuộc đời không chỉ trái chiều mà còn khấp khểnh nữa.

Cậu chủ mang thêm về ông tủ lạnh. Ông tủ lạnh này mượn họ tủ nhà tôi thế thôi, chứ lòng dạ ông rất xa lạ với lòng dạ tủ gỗ chúng tôi. Hơn nữa ông được chế tạo ở nền văn minh khác.

Ở một góc chéo cô gương Tầu và ông tủ lạnh luôn nhìn thấy nhau. Tuy không nói ra nhưng cô gương Tầu yêu tinh thần văn minh và vẻ ngoài hoàn chỉnh của ông.

Chương II

CÔ CHỦ CỦA CHÚNG TÔI

Từ nay trong nhà chỉ có ông tủ lạnh là có giá hơn cả. Trên ngực ông gắn dòng chữ Xaratốp sang trọng. Cô chủ quan tâm tới ông nhiều nhất. Thường xuyên đóng mở, lau chùi, cất trong lòng ông toàn những thứ tươi mát ăn ngay dễ chịu vô cùng. Giá như cô chủ yêu ông bền bỉ. giá như cô chủ yêu quý mọi đồ đạc nói chung, thì ông tủ lạnh đâu đến nỗi bị quấn lại quả tim (nghĩa là ông bị cô chủ đánh cháy động cơ). Cậu chủ vui vẻ đi quấn lại vì hồi đó mới cưới nên cậu còn vui vẻ nhiều.

Tình yêu của cậu chủ và sinh hoạt phụ nữ của cô chủ, cũng làm nội tâm tôi thay đổi.

Qua vụ quấn lại quả tim của ông tủ lạnh và tiếng thét nứt chéo mình của cô gương Tầu, tất cả đồ đạc chúng tôi đều âm thầm hiểu rằng: Tương lai chúng tôi sẽ gặp nhiều tai biến, mau hỏng vì tính tình cẩu thả của cô chủ. Rồi thời gian cứ qua đi, những biến cố lâu lâu lại xảy ra, chồng chất lên nhau biết bao nhiêu là chuyện. Tôi phải từ từ nghĩ ngợi để kể lại cho các bạn nghe theo trình tự thời gian, hay trình tự cảm xúc của từng biến cố. Với người tình cảm yếu mềm như tôi điều đó cũng là khó.

Về cô gương Tầu, trong thời gian ông tủ lạnh đi quấn tim cô vẫn hằng nhìn chéo về chỗ của ông, song trong lòng cô ở góc ấy giờ đây in hình chú ghế đẩu và cụ cửa chớp.

Vì sự lười lau chùi của cô chủ, những hình ảnh trong lòng gương Tầu mỗi ngày một mờ dần. Ôi cụ cửa chớp, cụ ở trên tường của ngôi nhà này còn lâu hơn tôi, cụ nhìn thấy sự đời ở cả trong nhà và ngoài đường nhiều hơn tôi. Ôi chú ghế đẩu, còn chú thì giản dị hơn tôi, với bốn chân mảnh khảnh mà sức chịu đựng của chú mới lớn làm sao.

Các bạn đọc yêu quý. Nếu tôi chỉ lên án trách móc cô chủ thôi thì thật không đúng lẽ công bằng. Tôi làm sao quên được những ngày cô chủ phun nước hoa thơm lừng, ngào ngạt vào khắp các ngăn tủ của lòng tôi.

Chương III

LỜI HÒ HẸN

CỦA NHỮNG HẠT NƯỚC HOA

Cậu chủ tôi là chàng trai ngăn nắp. Cậu quyết định ngăn tủ bên phải thuộc quyền sử dụng của cậu. Ngăn bên trái thuộc quyền sử dụng của cô. Cuộc quy hoạch phân chia nơi để quần áo đượêc trình bày thật cầu kỳ thơ mộng:

"Em yêu Em là phái yếu anh phải giúp đỡ Em Anh dùng ngăn tủ bên phải Em là phái yếu Em dùng ngăn tủ bên trái, bên trái tim, bên của tình yêu, ngăn tủ bên trái của em".

Tôi thật ù tai chóng mặt với những lời hoa mỹ của cậu chủ, vậy mà cô chủ hiểu hết. Cô hiểu cậu vui tính và âm yếm cô nhất trần đời.

Từ đấy những ngăn tủ bên trái tôi cất chứa toàn đồ phụ nữ, làm tôi biết thêm thế nào là mềm mỏng, nhẹ nhàng, thơm dịu của quần áo mùa hè. Thế nào là ấm ấp, bền chắc, tin tưởng của quần áo mùa đông.

Cô chủ có lọ nước hoa xịt của Pháp. Bọn nước hoa bị nhốt kín trong lọ. Chúng bị lèn chặt đến nỗi xít bên nhau đến trở thành chất lỏng. Mỗi lần cô chủ lắc lắc cái lọ, bọn chúng lại tấm tức kêu óc ách bên trong. Ngày nào cô cũng giải phóng hàng ngàn triệu hạt nước hoa. Mỗi lần cô phụt chúng ra, tất cả lại đồng thanh kêu lên ôi dào... ôi dào, đầy sung sướng. Niềm vui lây sang cả tôi nên khi cô chủ đóng cánh tủ vào tôi cũng thở phào... đầy sung sướng.

Trong tâm trạng cùng vui, tôi và bọn nước hoa rất hồn nhiên tâm sự cùng nhau. Thật may mắn cho tôi, bọn nước hoa có cùng một suy nghĩ thơm lừng, cùng một thói quen nói đồng thanh. Nếu không với hàng nghìn triệu đứa mỗi đứa nói năng một kiểu thì tôi biết làm sao tâm sự nổi với cả lũ mịt mùng như vậy.

Chúng kể rằng cụ tằng tổ hai bên nội ngoại nhà chúng đều là loài thảo mộc có hương thơm.

- Anh tủ ơi chúng em là tinh túy của muôn loài hoa thơm cỏ lạ. Chúng em luôn luôn bay đi, bay lên, bay mãi. Anh Tủ đứng yêu quý, chúng em nhận ra anh ngay cũng là họ hàng thảo mộc. Chúng em sẽ làm anh thơm tho một thời gian. Đời chúng em là thơm lừng, là bay đi mãi. Anh tủ đứng kính mến, hẹn gặp anh trên cao kia, để rồi cùng chúng em đi chu du khắp thế gian. Tất cả chúng em sẽ tỏa ra thơm ngát mọi ngóc ngách trong ngăn tủ, sẽ hôn anh, người anh đáng kính, đáng được làm cho thơm tho một thời gian. Vài trăm nghìn triệu hạt nước hoa chúng em sẽ cùng hôn Anh.

Dứt lời bọn chúng cùng nhau hôn tôi chi chít.

Các bạn trẻ yêu quý, tôi thật khoái trá thấy mình thơm tho ngay tắp lự. Quả thực đời cứ thế này là tôi hạnh phúc, thật kinh khủng khiếp khi con người họ không yêu nhau. Họ đập phá chúng tôi, bỏ rơi chúng tôi để chúng tôi mọt ruỗng, hoen gỉ tàn phế. Tôi bỗng thấy xao xuyến một tình cảm muốn được chia tay, muốn được bay đi tự do như nước hoa kia. Tôi hỏi chúng:

- Hỡi các em nước hoa... hoa... oa hãy cho anh hỏi đây... ây... ây... ây... làm thế nào để được tự do như các em?

Các hạt nước hoa đang hôn tôi chi chít, cùng đồng thanh trả lời:

- Cháy... áy... áy... áy...

Tôi không tin vào tai tôi nữa, đôi tai tưởng tượng ấy mà. Tôi bàng hoàng hỏi lại:

- Gì cơ? Các em nói gì cơ?

- Cháy... áy... áy... áy... (chúng lại đồng thanh).

- Không được đâu, Anh sợ.

- Anh tủ đứng ơi đừng sợ, đằng nào thì anh cũng thành củi, mà củi thì anh biết rồi đấy. Củi không cháy không thể bay lên được. Chúng em nhất định đợi anh ở trên cao kia.

Đúng là những lời hò hẹn rực lửa, làm sao bình tĩnh ngay lại được, cái âm thanh ay... áy... cháy vẫn còn làm tôi bồi hồi, phấp phổng lo âu.

Tôi bỗng nghĩ tới cô gương Tầu, người tình đầu tiên của tôi, người yêu cuối cùng của tôi. Người thường xuyên xóa tan đi những đau khổ của tôi.

Y

"... Em yêu, anh luôn muốn nói cho em hiểu, rằng em là tuyệt vời đối với tôi...".

Y

Vâng! Tôi nghĩ rằng cô gương Tầu thật tuyệt vời, cô không thể cháy. Lúc này cô đang làm gì? Nghĩ gì? Tấm lòng trong sáng như gương kia đang ấp ủ hình ảnh nào?

Tôi nghĩ đến nàng và tạm thời quên đi mình sẽ cháy.

Y

Con sóng lòng ghen nhẹ nhàng dâng lên trong tôi.

Chương IV

NHỮNG NGÀY MƯA TO

Có một yếu tố quan trọng trong đời sống đồ đạc chúng tôi. Đấy là chuyện nắng mưa. Cụ cửa chớp là người hiểu biết nhiều và trực tiếp hơn cả.

Sau này chính cụ cũng cháy cùng tôi.

Từ hôm qua bà loa đã báo tin có bão. Cậu chủ và cô chủ đi làm về sớm. Cả hai sẵn sàng chống bão. Còn chúng tôi bắt đầu vào mùa mưa to. Gọi là chống bão chứ thực ra có gì đâu ngoài việc chốt cửa và lau cọ đèn dầu phòng khi không có điện. Gió ngoài đường đang ù ù thổi bỗng giảm hẳn đi. Những hạt mưa đầu tiên xuất hiện, rơi thẳng đứng và nặng nề, lúc đầu lốp bốp lưa thưa sau dầy dần lên đến mức mưa như trút nước.

Cụ cửa chớp kể rằng sau màn mưa bạc, chỗ trên cao kia là một vùng sáng vàng nồng mờ mịt... Trong nhà, cô chủ nấu cơm, cậu chủ nằm dài trên thảm. Ngày ấy ở nhà này chưa có giường. Không gian dầy đặc tiếng mưa và những đám bụi nước từng đợt, từng đợt ùa qua khe cửa chớp, khe mái ngói vào trong nhà. Không khí lạnh dần hòa lẫn mùi cơm chín tới thơm ngào ngạt.

Cảm giác im ắng, chờ đợi tăng dần, rõ ràng tôi đang ở trong tình cảm chờ đợi, mà chẳng hiểu đang chờ đợi cái gì?

Tôi bỗng lo lắng sợ cơn mưa kia tạnh đi, nỗi chờ đợi của tôi sẽ lộ ra là vô nghĩa. Không một lời thủ thỉ, cô chủ lẳng lặng nằm bên cậu chủ, ngoài phố mưa gào, gió rú, thỉnh thoảng ánh chớp lòe lên xuyên qua một trăm hai mươi khe sườn của cụ cửa chớp.

Cụ cửa chớp mô tả: Chỗ ngã tư đầu phố hiện nay nước ngập lênh láng tới đầu gối ông người. Tiếng rắc rắc huỵch huỵch vừa rồi là tiếng động cây gẫy đổ ở phố mình. Phố bên kia các cụ cột đèn vẫn đứng vững. Tất cả chúng tôi lắng nghe lời tường thuật trận bão của cụ cửa chớp, thỉnh thoảng lại xen lẫn tiếng "hự, hự" của cụ bị chàng gió đấm vào lưng.

Trời mưa gió thế này cụ cửa chớp nhớ cụ bà cửa kính. Cụ đã kể nhiều với tôi về mối tình bi tráng ấy. Cũng như tôi tâm sự với các bạn về mối tình si đơn phương của tôi với cô gương Tầu.

Có lẽ chỉ những ai không hạnh phúc mới hay nghĩ ngợi về tình yêu của mình. Cụ cửa chớp kể:

"Cửa kính và cửa chớp chúng tôi có cái may mắn luôn luôn được ở gần nhau. Tôi và nàng chỉ cách nhau 20cm. Về điều này con người nói một cách văn chương là:

"Khoảng cách chỉ trong gang tấc"

Hai chúng tôi đều có khả năng cử động được nhờ có bản lề. Chúng tôi rất yêu nhau. Vị trí gần đến ngây ngất là hai đứa cùng được đóng cửa. Khoảng cách chỉ 20cm mà không làm sao hôn được. Con người đã chế tạo ra cửa kính và cửa chớp bên nhau như thế.

Có một lần nhờ sức gió, chúng tôi tìm cách hôn nhau. Cả hai cùng giang hết cánh, đóng nhanh vào nhau. Trời ơi, kết quả tôi bị sái hai cái bản lề. Nàng vỡ tan ngay toàn bộ. Vỡ tan ngay lần đầu cố gắng hôn tôi. Sự tan vỡ mãnh liệt vì tình yêu của nàng cửa kính làm rung chuyển cửa chớp tôi tới tận bây giờ.

Này cậu tủ đứng. Cũng may cho cậu, cô gương Tầu luôn luôn im lìm không cử động gì. Cô ấy không có nhu cầu hôn như nàng cửa kính.

Buồn thảm ghê, khi cố gắng đầu tiên trong khát vọng yêu của họ lại là bi kịch. Giờ đây trên tường chỉ còn lại mình cụ cửa chớp đã cũ sờn và sái hai cái bản lề. Nhưng tình yêu chảy trong máu gỗ không sờn. Cụ hy vọng chẳng bao lâu nữa cô cậu chủ sẽ lắp lại bộ cửa kính mới, trẻ hơn đẹp hơn, rồi sửa lại bản lề cho cụ. Đã đành cụ vẫn không nguôi thương nhớ cụ bà cửa kính đã quá cố, song cụ không bảo thủ, cụ vẫn hân hoan vào cuộc tình mới với cô cửa kính đời sau.

Có thể cô cửa kính trẻ trung sẽ không vỡ, vì cụ rút ra được kinh nghiệm yêu đương, là không nên phối hợp với gió một cách mãnh liệt đến thế. Hoặc giả chính cậu chủ sẽ giúp đỡ cụ giữ được người tình mới bằng hai chiếc móc cửa.

Móc cứng cửa kính và cửa chớp vào tường sau mỗi lần đóng mở.

Chương V

HẠNH PHÚC NGẮN NGỦI

(hay sự bay đi trước của chú ghế đẩu)

Vào ngày nắng ráo trong mùa mưa, chúng tôi thường được lau chùi chu đáo. Lớp vecni trên mình tôi lại sáng bóng lên. Tôi trẻ ra. Cô gương Tầu lại sáng choang in rõ nét những hình ảnh ảo cuộc đời. Ông tủ lạnh lấy lại được phong độ xưa. Còn cụ cửa chớp nữa, một trăm hai mươi khe sườn của cụ sạch tinh không còn tí bụi nào.

Trong những ngày hạnh phúc này, cô chủ mang chú ghế đẩu ra ngoài sân. Lần đó chú đi mãi không trở lại trong nhà nữa. Lúc ấy nào ai biết số phận chú ra sao.

Giờ đây nhớ lại một ngày đẹp trời, chẳng gió bão gì mà ngoài sân vang lên tiếng rắc rắc, hự hự. Thì ra cô chủ đang bẻ chân chú ghế đẩu. Chỉ có cụ cửa chớp chứng kiến cảnh chú ghế đẩu bị hành hình tàn nhẫn nhất. Chú bị phang, chém thẳng cánh bằng dao rựa nặng chịch. Bị bẻ gẫy từng chân một. Rồi cả chân và mặt đều bị chẻ nhỏ làm củi.

Các bạn đọc yêu quý, xin các bạn đừng sợ hãi. Con người thường hủy bỏ chúng tôi khi chúng tôi đã cũ hỏng, hoặc là chán quá.

Chú ghế đẩu thành củi đun nước gội đầu cho cô chủ. Ôi chú ghế đẩu, sức chịu đựng của chú mới lớn làm sao. Tuy không hò hẹn nhưng chú đã chu du cùng các em nước hoa trên cao sớm hơn tôi.

Chương VI

NHỮNG VỊ KHÁCH

HOA TƯƠI VÀ RÔ-BỐT

Chính trong cái đêm mưa bão, cậu chủ nằm trên thảm lạnh không ngủ. Cậu chủ nghĩ đến chúng tôi, cậu đã đặt bác thợ mộc sinh thành ra tôi đóng một bộ bàn ghế mới và một chiếc giường có cấu tạo đặc biệt. Về mặt lý thuyết thì các mợ giường cũng có bốn chân như chúng tôi. Có điều các mợ luôn luôn nằm phơi bụng lên cho người ta trải chiếu. Đặc biệt mợ nào sang trọng, cao giá thường được chạm trổ hoa lá ở đầu một ít, ở chân một ít, tôi gọi là phong vận đầu đít cầu kỳ, phải công nhận các mợ giường có thân hình ngang dọc đều to. Bọn tủ tôi nếu đặt nằm xuống cũng chỉ to vừa bằng các mợ là cùng.

Cái mợ giường về nhà này còn to hơn thế, đi nghiêng cũng không lọt cửa. Người ta lắp ráp mợ tại hiện trường sử dụng. Mợ giường này oách thật, có đệm mút dầy 15cm. Có chạm khắc hoa lá khắp mình. Bốn chân còn có bánh xe nữa chứ, chơi thật. Trông mợ giường mới đã sang trọng lại độc đáo, còn hơn cả ông tủ lạnh. Hôm mợ mới về hàng xóm sang xem rất đông, có nhiều người thích lắm. Họ bảo mợ thuộc môđen tân cổ giao duyên. Anh em nhà bàn ghế về sau mợ một tuần. Họ gồm năm thứ. Cái bàn là anh cả, bốn em ghế bành giống nhau in hệt, chẳng có gì để bàn về họ.

Cảnh nhà cậu chủ thật khang trang. Từ nay đây cô chủ rất hay mua hoa tươi cho nhà thêm đẹp. Cô thay hoa rất đều.

Hoa cũ chớm tàn, là có hoa mới ngay rồi. Ban đêm khi không gian yên ắng, loài thảo mộc chúng tôi trao đổi với nhau qua mùi vị. Tất cả bọn đồ đạc trong nhà vui trong không khí khoan khoái vì mùi hoa tươi thơm ngát lan tỏa. Chúng tôi có khả năng trao đổi bí ẩn, chúng tôi hiểu nhau và cùng hiểu, cùng hy vọng rằng sau này có thể con người cũng hiểu được như thế.

Cô chủ thích những bông hoa to, những bông hoa bé cô vò nát vứt đi. Cô đâu biết được, rằng những bông hoa còn lại sẽ chạnh lòng đến hoảng sợ mà chóng héo. Chơi hoa là một chuyện công phu. Ngoài việc cách cắm hoa còn phải rất nhạy cảm với thời tiết và màu sắc của hoa. Làm sao quyết định được đúng thời tiết nào tương ứng với màu hoa gì. Giá thử như nhà ta nhỏ, chật. Trời hè oi ả, ta mang nhiều hoa đỏ về nhà, thì đó là một ý thích nhức nhối ngoại lệ quá. Lại còn chuyện không gian nữa. Không gian nào cần hoa thơm ngát, hay thơm sắc như ăn được của mùi chuối, mùi mít chín vàng. Thật khó ơi là khó. Ấy thế mà cô chủ tôi lại là người không hiểu biết gì về hoa. Có nhiều lần cô thay hoa không thay nước. Hoa càng thơm nước trong bình càng chóng thối, mà cô đâu có biết. Chuyện về hoa thật cầu kỳ phong phú. Có loại để bàn trang trí, có loại để trong chậu để ngoài hành lang, ban công, sân vườn. Có loại chỉ để thờ cúng. Có loại xào nấu ăn rất ngon như hoa xúp lơ, hoa mướp, hoa chuối. Có loại làm thuốc như hoa táo, hoa hoè, hoa hồi.

Đặc biệt có loại hoa tượng trưng cho nhân cách con người và tình yêu chung thủy như hoa mai trắng - mai vàng - hoa viôlét màu tím.

Trong đạo Phật, hình ảnh đức Phật Tổ luôn luôn ngồi trên bông sen thật to nở thơm ngát và mắt ngài lim dim bí hiểm với nụ cười cảm thông tuốt tuột mọi điều...

Trong cổ tích có cả hoa ăn thịt người. Nhưng thực tế chỉ có hoa ăn ruồi muỗi thôi. Tôi gốc sinh từ loài thảo mộc mà cũng không đủ kiến thức về hoa, ấy là chưa kể hàng chục nghìn loài hoa phong lan kiêu hãnh của rừng núi.

Y

Nói tới hoa tôi chạnh lòng tới ong và bướm, hai loại côn trùng này thường được gán cho ý tứ lãng mạn trong đời sống chữ nghĩa của con người. Nhưng côn trùng là côn trùng, còn câu chuyện này của chúng ta chỉ nói về đồ vật thôi nhé. Nhưng dù sao cũng phải công nhận rằng muôn loại hoa của chúng tôi chính là những bộ phận sinh dục của loại thảo mộc phải chăng vì thế mà con người yêu thích những thứ đó của cỏ cây?

Y

Kết thúc chuyện những vị khách hoa tươi, tôi vẫn còn kinh hãi loài hoa ăn thịt người, loài hoa thường có trong những truyện thám hiểm xa xôi ngoài trái đất, bằng những con tàu có tốc độ cận ánh sáng với những rôbốt kỳ diệu, những rôbốt hoa tiêu tiên tri hết mọi điều của hành trình.

Cô chủ ngẫu hứng mua về một đồ chơi rôbốt chuyển động nhờ năng lượng của pin. Đây là loại rôbốt chế tạo ở Trung Quốc bán lẻ mười nghìn đồng một chú. Chú rôbốt này được chế tạo chỉ biết tiến về phía trước. Người ta đã chế tạo ra chú để mô phỏng trí tuệ và sức mạnh của địa phương nào đó. Thứ sức mạnh rất thích bắn giết, khống chế, điều kiển kẻ khác. Có lẽ con người cũng thành thực về họ khi chế tạo ra chú rôbốt này.

Nhà chưa có trẻ con, nên chú rôbốt không có người chơi phải đứng lặng lẽ cả ngày trước mặt cô gương Tầu. Suốt ngày chú một mình kiên trì chiến đấu với bóng mình trong gương. Thỉnh thoảng cô chủ cũng có chơi với chú. Nhiều lần chú mải chơi, bước quá chân ngã lộn cổ từ mặt bàn xuống đất. Ngã tới lần thứ ba thì gan ruột máy móc trong người chú lộn xộn hết cả. Chú đã hỏng nhanh chóng, chỉ còn cử động được chân trái. Với cái vỏ ngoài hấp dẫn, chú rôbốt vẫn được xếp chỗ danh dự ngay trước mặt cô gương Tầu.

Bài học về lão bàn là đã làm cho cô sợ hãi tất cả những gì áp sát vào cô, trừ giẻ lau. Kinh nghiệm đau xé lòng ấy đã làm cô hiểu được câu:

"Con chim bị đạn sợ làn cây cong".

Đó là một câu sách vở mà cô hiểu được bằng thực tế. Còn cô có đọc sách thật, nhưng chữ nghĩa soi vào lòng bao giờ cô cũng hiểu lộn ngược, nên cô không biết rằng chú rôbốt đồ chơi này thực chẳng có chút sức mạnh nào. Cứ cho là chú ta không ngã hỏng thì hết pin là hết cử động. Cứ cho là không hết pin mà không có người điều khiển, thì chú rôbốt cũng chỉ là cục nhựa kỳ quặc mà thôi. Nhưng cô gương Tầu vẫn lo lắng sợ hãi. Yêu cầu về sự an toàn ở cô cao tột cùng cao.

Chương VII

AN TOÀN LÀ BẠN

Ở phía đối diện nhà cậu chủ, ngày xưa các ông người xúm xít rất đông. Theo thiết kế họ xây ở đây một ngôi nhà tám tầng cao ngất nghểu. Bây giờ đây công trình bị bỏ dở dang với hai hồi tường cao 15m có dòng khẩu hiệu bằng vôi trắng cực lớn: "AN TOÀN LÀ BẠN, TAI NẠN LÀ THÙ". Các bạn trẻ yêu quý, lũ đồ đạc chúng tôi khi cũ kĩ cũng hay bị tai nạn hỏng hóc luôn. Khi chúng tôi đã cũ đi, thì chẳng còn mấy ai quan tâm nữa. Chẳng kể còn có người vui lòng khi thấy chúng tôi gặp tai họa. Họ nghĩ, không, họ nói thẳng ra: "Càng tốt - vứt nó đi - mua cái mới". Những ông đa cảm thì bảo: "Bỏ thì thương - vương thì tội".

Thế giới loài người quá nhiều điều kì lạ, đâu giống bọn đồ đạc chúng tôi. Vả lại các ông người có bị cũ đi không nhỉ? Còn nếu cũ đi thì có bị đối xử như món đồ cũ chúng tôi không nhỉ?

Các bạn có biết không, mỗi khi con người tỏ ra nghiêm trọng về cái gì đó, bọn đồ đạc chúng tôi thường bị phế thải hàng loạt rồi hàng loạt bọn đồ mới lạ hoắc ra đời. Họ gọi đó là cải cách. Còn đồ đạc lại là thứ câm nín, không có khả năng trao đổi với con người. Giống như đám cỏ không hiểu nổi con bò. Cho dù bọn cỏ rất hiểu nhau. Chúng là một cộng đoàn thanh bình, cùng yêu thương, cùng ca hát thi đua lớn lên mơn mởn trên cánh đồng. Nhưng chúng không hiểu một tí ti nào về bò. Với cỏ bò là tai biến siêu nhiên khôn lường. Cũng có thể vài ba cọng cỏ tri thức hơn cho rằng thượng đế đang gặt hái họ.

Ngày tận thế của xã hội loài cỏ đã đến. Các ông bò, tai biến siêu nhiên của loài cỏ, hay thượng đế đang đủng đỉnh trên cánh đồng ngoạm từng miếng roạt... roạt...

Tai biến nhỏ cũng đến với cô gương Tầu. Cậu chủ - Thượng Đế (thưa các bạn yêu quý từ đây tôi gọi cậu chủ là thượng đế) nảy ra sáng kiến cắt bé cô gương Tầu đi cho vuông vắn.

Cắt bỏ chỗ nứt chéo đi. Ông thợ cắt kính đã thực hiện nhát cắt điêu luyện ngang mình cô, rất nuột, không gợn một sẹo nhỏ nào. Lòng cô gương Tầu không còn khấp khểnh như xưa nữa, nhưng hẹp lại một phần ba so với trước kia.

Thế là cô khó vỡ hơn một phần ba, quả thật "AN TOÀN LÀ BẠN". Cô nay bé lòng đi một chút nhưng đẹp đẽ và không còn vết nứt nữa.

Vết cắt sửa lại gương Tầu đã đẻ ra hai mảnh gương nhỏ người ta cũng sửa cho hai con cô vuông vắn. Cô gương Tầu có con không phải vì lấy chồng như các cô người. Con cô là những mảnh lòng cô tách ra. Chúng cũng giống như cô, cứng cỏi lung linh in hình ảnh ảo cuộc đời.

Chương VIII

CÔ NÀNG VỎ ỐC

Có gì là không thể có?

Có gì không thể xảy ra?

Khi thế gian này quá đỗi bao la.

Điều xảy ra là đồ đạc cũng có giấc mơ. Một giấc mơ tập thể giữa trưa hè nóng nực, chúng tôi ngủ mơ về chúng tôi. Hơi nóng giữa hè như lửa, lửa hè trôi nhanh vào gầm tủ gầm giường. Mọi đồ đạc đều lội trong lửa hè rực rực oi nồng. Ngoài kia đặc trời tiếng ve.

Thượng đế quyết định tất cả. "Ngài" đi vắng vài ngày khi về mang theo một quạt cây và một giá sách. Những quyển sách vẫn để trong tủ tôi, nay dọn sang ở với lão giá sách.

Trên giá sách của "Ngài" ngổn ngang nhiều thứ: Cành hoa giấy đầy bụi, chiếc kìm gẫy, cái gạt tàn thuốc lá bằng vỏ ốc. Sách của ngài lộn xộn đủ loại song không thể thiếu quyển "SỔ TAY NGƯỜI THỢ NGUỘI" cho dù ngài là một thợ nguội tồi, giỏi hút thuốc. Ngài có nhiều những truyện tranh mô tả chiến trận bằng gươm giáo khi va chạm kêu soang soảng, cheng cheng.

Chiếc quạt cây ngài mang về quay tít làm ra gió thổi loãng hơi nóng đi. Đồ đạc chúng tôi cũng có phần dễ chịu hơn tí chút.

Riêng với nàng vỏ ốc, nóng nực này chẳng thấm tháp gì. Quê nàng là biển xanh mát lạnh, ngày còn là ốc dưới đáy dại dương, nàng thường bò chầm chậm suy nghĩ về cuộc sống, tình yêu và dinh dưỡng. Giờ đây, nàng là cái vỏ ốc hàng ngày ngửa lòng cho thượng đế ngoáy dụi những đầu chuôi thuốc lá nóng đỏ rát kinh khủng.

Nàng ốc kiên nhẫn hứng chịu, nhưng không ngừng mơ ước về một chàng ốc có đường xoắn trái chiều với nàng.

Lão giá sách giàu kiến thức hơn lũ chúng tôi, lão nhiều lần nói cho nàng ốc biết. Trong hệ thiên hà chúng ta không có con ốc nào có đường xoắn ngược chiều kim đồng hồ.

Vậy, có thể lão giá sách kia nói đúng sự thật lịch sử, sự thật khoa học. Nhưng nàng vẫn ước mơ. Biết đâu đấy... nhỡ có một chàng ốc như thế thì sao? V.I Lê Nin của loài người đã nói "Sống phải biết ước mơ" lão giá sách tán thành quan điểm này, nhưng theo trí nhớ của lão câu "sống phải biết ước mơ" không phải của Lê Nin. Chắc chắn lão biết câu nói nổi tiếng đó của ai, lão không tiết lộ, vì muốn mọi đồ đạc phải học lấy để hiểu biết hơn.

Cô ốc biển không đi học, quan điểm của cô "Sống phải biết ước mơ" câu ấy đúng quá, không hay ho gì khi cứ giao đãi vịt vờ nịnh bịp nhau bằng cách để trong ngoặc đơn câu: Chữ của tên nào... Phải hay không phải của Lênin cũng không quan trọng, điều quan trọng là đúng như vậy mà thôi. Nên cô đã không ngừng mơ ước.

Về lão giá sách không có cánh cửa đóng kín và tấm lòng sâu rộng như tủ đứng. Lòng lão sâu 20 cm chứa đựng nhiều ghi chép về kinh nghiệm sáng tạo của con người. Tâm hồn sách vở cho rằng yêu là đau khổ. Thậm chí lão còn ngâm thơ:

"Tu là cõi phúc, tình là dây ơ ớ ơ...oan"

Thực ra thì sách trong bụng lão không nhiều như ở thư viện, nhưng ở nhà này là nhiều quá rồi. Chính cậu chủ (thượng đế) cũng chưa đọc hết sách trên giá của lão cơ mà.

Lão ngâm thơ và thề không bao giờ yêu, chuyện tình cảm của tôi và cụ cửa chớp bị lão xem thường như trò chơi nhạt nhẽo. Chúng tôi và lão khó đồng cảm biết bao. Vậy mà lão vẫn kiên trì khuyên chúng tôi chỉ nên yêu trí tuệ. Tôi tôn trọng và kính phục lão cùng cô ốc biển. Riêng phần tôi từ ngày gặp các em nước hoa mới có ước mơ bay đi, nhưng điều ước làm sao thực hiện được nếu không có cuộc hỏa tai của gia đình thượng đế. Tai nạn đã đành là chẳng hay hớm gì, nhưng cũng nhờ vậy làm tôi cháy được và bay đi.

Đó là một ngày, một ngày cháy thật. Cái ngày đó bếp điện quá mệt mỏi, lại bị bỏ quên không tắt. Sợi dây dẫn quá tải nóng chảy cháy thủng can dầu mười lít còn đầy. Lần này không phải là lửa hè trong mơ mà là lửa thật trôi thật. Lửa thật, tràn thật, lênh láng đùng đùng khắp nhà thiêu đốt chúng tôi.

Cửa khóa ngoài vợ chồng thượng đế đi vắng. Bọn đồ đạc chúng tôi cháy theo nhau. Cô gương Tầu không cháy được. Lòng tôi bùi ngùi khi trông thấy cô rạn vỡ ngã xuống chân tường thành nhiều mảnh nham nhở.

Trong khói đen mù mịt mùng, những mảnh gương vẫn long lanh cứng cỏi soi rõi lên trời cao. Cho dù trời cao của cô soi thấy chỉ là trần nhà cậu chủ.

Chúng tôi bốc cháy thành lửa khói thành hơi nóng bay túa ra mọi khe hở, mọi lỗ thủng của ngôi nhà. Nơi đã sinh ra những câu chuyện tình cảm của lũ đồ đạc chúng tôi. Tuy cô gương Tầu không bay được nhưng tôi nghĩ không phải vì cô kém cỏi, cô cũng có thể tuyệt vời:

Chàng như mây mùa thu

Thiếp như khói trong lò

Cao thấp lẽ có khác

Một thả cùng tuyệt vời.

Tôi tin ở sự công bằng của mấy câu thơ cổ này vì dù sao tôi cũng đã một thời yêu cô nàng.