Thứ Năm, 1 tháng 10, 2009

TRUYỆN MÓNG TAY

TRUYÊN MÓNG TAY (truyện ngắn của HồngHoang-HồngHưng)

Cô gái sắp lấy chồng, càng gần ngày cưới cô càng vui như hội, cô hớn hở vô tư.

Không chừng mùa thu năm nay sẽ giống như tính nết của cô: vui như mùa xuân, nóng như mùa hè.

Không chừng lễ cưới chú rể không mặc được comlê, còn cô dâu vã mồ hôi hột trong bộ váy áo lòe xòe.

Y

Bố mẹ cô nuôi một bà cô. Bà cả ngày chỉ ở bếp, rất sợ lên nhà trên, rất sợ gặp khách đàn ông. Thế mà bây giờ hễ thấy bóng ông cháu rể tương lai kéo bạn sang chơi, là bà ra khỏi bếp, lên nhà trên ngồi như công an canh chừng kẻ cướp.

Bà hay quát toáng lên khi thấy trai gái đông đúc, cười đùa quá to lẫn với tiếng đét, tiếng đập lưng thùm thụp. Bà lại cố quát to hơn: "Xéo đi, lũ nặc nô".

Tất cả bọn trẻ càng cười to hơn. Còn bà lúc đó có nét mặt xa xôi... đăm chiêu. Bà thương cô cháu gái có tính tình vui như mùa xuân, nóng như mùa hè.

Y

Chẳng ai để ý sự cau cảu của một bà cô trái nết. Khi ra về bọn trẻ còn đứng nghiêm trước mặt bà đồng thanh: "Chào thiếu tá", cô cháu gái còn quát thêm: "Bà xuống bếp đi". Bà chửi cô cháu: "Tiên sư mày chửa khỏi vòng đã cong đuôi".

Mẹ của cô ra bênh con: "Bà kệ chúng nó. Bà ít nhời thôi. Bà xuống bếp đi".

Đôi mắt già cụp xuống nhẫn nhục, cái nhẫn nhục của người cô đơn sống nhờ lòng nhân nghĩa. Bà lủi thủi xuống bếp.

Ngồi thu lu trong xó bếp. Bà nhớ lại quãng đời xưa: Năm ấy cũng vào độ tuổi cô cháu, chỉ còn mươi ngày nữa nhà trai làm đám cưới đón bà về. "Nhưng không bao giờ, không bao giờ, không bao giờ...".

Bà ngồi thu lu xó bếp mắt đăm đăm nhìn những hạt bụi bay hỗn độn trong tia nắng quái xiên từ cửa sau. Bà lẩm nhẩm nói một mình "Không bao giờ, không bao giờ" như một người nhai trầu.

Lần cuối bên nhà anh ấy (bây giờ phải gọi là ông) chỉ cách hôm cưới mười ngày. Hôm ấy nhà ông đông khách. Bạn của ông toàn người trong chi đoàn bà phụ trách. Tất cả thật vui nhộn, thật thân tình, có người cười gọi bà:

"Bí thơ ơi cho chúng tớ ăn kẹo đi thôi".

"Kẹo bí thơ ngon lắm".

Nghe thấy thế ông vào buồng trong lấy kẹo ra, giơ gói kẹo lên cao. Mọi người ồ lên vui thích, vài ba cánh tay vươn lên giựt gói kẹo. Ông lấy thêm kẹo, thêm bánh qui để lên chiếc quạt nan giữa phản.

Nhìn mọi người bóc kẹo bà vui phơi phới gần như là hạnh phúc. Bà chợt thấy một bạn thân của ông đang dùng những móng tay cáu ghét, đen bẩn bóc kẹo. Bất giác bà cầm bàn tay đó xoay úp xuống rồi nói: "Đoàn viên gì mà tay bẩn thế này, móng tay dài quá".

Có người đưa ra chiếc bấm móng tay:

"Để bí thư cắt móng tay cho, sướng nhé".

Y

Cuộc vui đã đến lúc kết thúc. Kẹo và bánh đã hết sạch, những cái móng tay bẩn cũng đã được cắt đi. Tất cả sự vô tư của bà là của người trinh nữ đang tràn trề hy vọng hạnh phúc.

Còn qua song cửa của gian buồng bên, hai người chị chồng tương lai và mẹ chồng tương lai của bà đã cau mặt lại, khi thấy bà bấm móng tay cho bạn thân của ông.

Thế mà... bà đã ra về với bước chân thanh thoát và hát vang: "Rừng cây xanh lá...".

Ngày đó lâu lắm rồi. Ngày đó vui quá. Bây giờ bà hát khác, không phải hát, mà bà lẩm bẩm: "Không bao giờ - không bao giờ" giống như một người nhai trầu. Nhưng chừng như bà đang nhai thật kỹ từng câu: "Không bao giờ - không bao giờ - không bao giờ - không bao giờ".

Y

Cùng đêm hôm ấy, bà mẹ chồng tương lai kiến nghị với bố chồng tương lai:

- Tôi không cho nó lấy con ấy nữa.

- Bà sao thế?

- Nó sắp cưới đến nơi rồi mà còn cầm tay, bấm móng tay cho thằng khác.

- Ai bảo bà thế?

- Còn phải ai bảo, tôi và cả hai con lớn nhà ông chứng kiến tận mắt, quả tang từ đầu đến cuối (cụ bà thở dài nhích lại gần chồng...). Ôi, nó cứ cầm mãi tay thằng ấy.

- Thế là thế nào?

- Chả thế nào cả, đấy là tướng "tiện dâm", chưa cưới đã thế, cưới rồi thì con trai ông mọc sừng như Tuần - Lộc.

- Hừm... như Tuần - Lộc thì hơi nhiều quá (cụ ông có vẻ cáu, còn bà cụ bất giác cầm tay ông cụ).

Y

Thật đáng tiếc vì hồi ấy ông là người con quá "hiếu", vì bà là cô gái vô tư. Chỉ tội nghiệp bà khi bị đánh tiếng hủy hôn lễ đã xỉu xuống bất tỉnh hai ngày. Sau hồi phục lại bà biết hết chuyện bên nhà ông, và từ đấy mắc bệnh tim đập loạn nhịp toàn thân run lẩy bẩy mỗi khi đàn ông vô tình đứng gần.

Y

Đã bao lâu rồi? Bà đã sống qua? hay chết qua? Nỗi sỉ nhục cổ hủ bắt đầu từ cái móng tay cho đến nổi sỉ

nhục hiện đại lố lăng bây giờ của con trẻ chào bà: "Chào đại tá".

Chẳng phải vì gần đến ngày cưới của cô cháu gái mà bọn trẻ đã thăng chức cho bà lên Đại tá, mà cũng chẳng phải bọn trẻ muốn thăng chức cho nỗi buồn cười của chúng. Có lẽ chỉ vì con người đã tồn tại giữa những con người cùng cả nhiều những nhầm lẫn trong sáng của họ, và cùng cả "Truyện móng tay".

Hà Nội 7-1994

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét