Thứ Năm, 1 tháng 10, 2009

TẢN VĂN

CÁI ĐẸP KHÔNG CHỐNG LẠI NHAU

Điêu khăc gia Nguyễn hồng Hưng

Ở thời đương đại, trên những ấn phẩm và các chương trình truyền hình, thỉnh thoảng chúng ta vẫn thấy những hình vẽ của người nguyên thủy trên vách hang động. Những hình vẽ chạm khắc thô mộc, màu sắc đơn bạc phôi phai vì thời gian, nhưng rất sinh động, rất truyền cảm. Các bậc danh họa đời nay không ít người nghiên cứu, học tập và thán phục vẻ đẹp đó.

Khi người nghệ sĩ nguyên thủy sáng tạo thì cái gì đã xảy ra trong tâm tư anh ta? Cái gì thôi thúc anh ta đục khắc trên vách đá rắn câng nham nhở kia? Với đầy đủ công cụ hiện đại, nếu có khắc trên vách đá như thế chúng ta cũng thấy khó khăn nhọc nhằn. Vậy mà người nghệ sĩ vô danh thời nguyên thủy đã làm nên những kiệt tác đầy xúc động, qua hàng vài triệu năm vẫn còn đủ mạnh mẽ, sinh động như mới hoàn thành rất gần đây. Những thần thái của hội họa cổ sơ đó cũng chẳng mấy khác những họa phẩm hiện nay. Những hoạt động nghệ thuật buổi hồng hoang chắc chắn không vụ lợi, thuần túy vì cái đẹp, vì khoái cảm thẩm mỹ thôi thúc.

Vậy khoái cảm thẩm mỹ là cái gì? Nó có giống như ăn khoái, uống khoái, chơi khoái không? Chắc chắn là không rồi!

Trong sự tồn tại giữa trời đất này, chúng ta mù mờ về xuất xứ của con người, Lại mù mờ về hướng đi tới. Khi ta ra đời đã có con người rồi, khi ta qua đời con người vẫn còn tiếp tục tồn tại. Vậy ta luôn cảm giác mình ở khoảng dở dang. Có thể, nhân loại ở mọi thời luôn luôn là khúc giữa, đầu cuối không minh bạch, chỉ là phán đoán ra mà thôi. Có phải vì thế mà nhân loại hoạt động tích cực trên mọi lĩnh vực nhằm khai thác, phát triển khoái lạc, nhằm hưởng sự sung sướng nhiều hơn chăng?

Cho dù số lượng các loại khoái lạc đương đại có tăng lên tới đâu thì cũng chỉ nằm ở hai khu vực là vật chất và tinh thần.

Thiên nhiên đã ban cho chúng ta một số niềm vui bản năng mà người ta thường gọi là "tứ khoái". Chỉ riêng khoái lạc tinh thần thì khác hẳn. Để hưởng thụ được là cả một quá trình lao động nhận thức khó khăn. Về chuyện đó các triết gia hiểu rõ hơn cả. Phần lớn họ thường tự hào về sự cao quý ấy so với người lao động chân tay.

Nhưng thiên nhiên vĩ đại cũng có chỗ công bằng, đã làm cho người lao động bình thường đến các bậc quyền uy học giả đều cảm nhận được vẻ đẹp của một bông hoa. Tuy rằng cao thấp có khác nhau, nhưng tất cả đều đã hài lòng.

Thế vậy cái gì đã xảy ra? Cái gì đã làm cho những người rất khác nhau đó đều hài lòng như vậy? Đó là mỹ cảm về cái đẹp.

Hỡi chàng nghệ sĩ nguyên thủy, chỉ vì mỹ cảm quá mạnh trong lòng mà anh bỏ cả săn bắn, hái lượm, đi làm tác phẩm. Thế hệ các anh chẳng còn một ai, vậy mà tinh thần các anh, cảm xúc của các anh đã tồn tại như còn tươi nguyên trên vách hang động. Cảm ơn những bậc thầy nguyên thủy đã truyền lại thuần túy mỹ cảm nghệ thuật, không hề dính dấp với tư tưởng nào, tôn giáo nào.

Mãi sau vài triệu năm có người đã nói: "Tôi tư duy-nghĩa là tôi tồn tại". Vậy khi làm cái việc chuyển dịch mỹ cảm ở "thế động" trong tâm tư thành "thế tĩnh" trên vách đá vật chất kia, các anh có tư duy không?

Là một đồng nghiệp hậu sinh tôi rất muốn thay các anh trả lời "có". Nhưng chúng ta tư duy với cây cọ, với lao động nghệ thuật. Toàn bộ đời sống tinh thần của chúng ta đã đóng khung trên tác phẩm. Như vậy, phải có một cái nền vật chất làm chỗ đứng cho mỹ cảm lan truyền mạnh mẽ và trọn vẹn hơn.

Về đời sống vật chất (những nhu cầu về thể xác của con người), ai ăn người đó no, ai uống người đó hết khát. Còn về nghệ thuật, khi chúng ta thể hiện đẹp, chúng ta khoan khoái và những người khác thưởng thức cũng cảm thấy thú vị. Đó là nhờ ở sự lan tỏa tất yếu của cái đẹp. Cái đẹp không phải là một đặc quyền, nó không dành cho riêng ai. Cái đẹp là sự lan truyền thanh cao của tinh thần thẩm mỹ cho cả những người bình dân và bác học.

Tất cả các tôn giáo, các trường phái triết học, các đế chế đều phải nhờ tới cái đẹp để tô điểm và nâng cao uy quyền. Người nghệ sĩ chúng ta đã phục vụ tận lực và tôn vinh tất cả. Nhưng, than ôi! tôn giáo đã tiến hành chiến tranh với tôn giáo, tư tưởng đã chiến đấu với tư tưởng và tiêu diệt lẫn nhau. Duy chỉ có cái đẹp không chống lại cái đẹp mà thôi.

GA NGHỆ AN 7-7-2007

HG.HG

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét